Với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, những trào lưu độc hại, phản cảm ngày càng nở rộ và phát triển tràn lan gây ra những hậu quả khó lường đối với chính người dùng và xã hội.
Từ sự tò mò của giới trẻ
Trào lưu “bắt pen” được biết đến rộng rãi khi một tài khoản Tiktok có tên K.T. đăng tải video mô tả chi tiết cách thức tham gia. Trong video, 2 học sinh ngồi đối diện nhau, một người dùng tay ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ của người kia cho đến khi người này có dấu hiệu rơi vào trạng thái lơ mơ rồi lịm dần đi.
Điều đáng nói, video này nhanh chóng được lan truyền và thu hút hơn 3,5 triệu lượt xem, hơn 100.000 lượt thích cùng hàng nghìn bình luận, chia sẻ. Nhiều bạn trẻ sau đó cũng thực hiện lại hành động “bắt pen” này để quay video đăng tải lên TikTok. Cảm giác lâng lâng được mô tả trong các video khiến nhiều học sinh thích thú và tò mò thực hiện.
Thượng tá, BS Vũ Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) bày tỏ lo ngại khi xem hình ảnh các bạn trẻ tham gia trò chơi này một cách hào hứng và khoe lên mạng. BS Hoàng lý giải: “Khi ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ làm cho lượng máu cung cấp cho não đột ngột giảm khoảng 60-70% khiến cho người đó dễ rơi vào tình trạng đột quỵ não hoặc làm cơn nhồi máu não do cục máu đông có thể bùng phát. Khi ấn vào động mạch giống như xoa vào xoang cảnh khiến cho nhịp tim bị giảm, thậm chí gây ngừng tim. Đây là động tác cấp cứu mà các bác sĩ thường dùng khi bệnh nhân bị nhịp tim nhanh kịch phát. Do vậy, cả hai yếu tố nêu trên đều gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là mất mạng. Trào lưu “bắt pen” là việc làm nguy hiểm cần phải ngăn chặn” - BS Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.
Nguyên nhân của trào lưu “bắt pen” của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thường muốn thử nghiệm những cảm giác mạnh mẽ và khác biệt. Tuy nhiên, cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm, không thể lường trước được.
Hành động “bắt pen” có thể kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột. Ngoài ra, áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, bao gồm dây thần kinh, mạch máu và các tổ chức mô mềm xung quanh.
Đặc biệt, những người có tiền sử bệnh lý về tim mạch hoặc huyết áp có thể gặp hậu quả nghiêm trọng hơn, có thể tử vong ngay lập tức. Việc chèn ép động mạch cảnh có thể làm xuất hiện các cục máu đông (huyết khối), khi huyết khối di chuyển lên não sẽ gây ra đột quỵ.
Đến sự nguy hiểm tính mạng
Thực tế, đây chỉ là một trong vô vàn các trào lưu xuất hiện trên mạng xã hội trong nhiều năm qua. Một vài trong số đó đã gây ra tai nạn. Trước đó, một trào lưu cũng thu hút rất đông các bạn trẻ thực hiện theo để tìm kiếm cảm giác thư giãn, xả stress là hít dầu gió. Các loại dầu gió mà các bạn trẻ sử dụng để hít là dầu Phật Linh, dầu gió xanh Thiên Thảo… Người dùng sẽ cho một chút dầu gió ra lòng bàn tay, xoa đều rồi đưa lên mũi hít thật sâu để cảm nhận mùi hương nồng của dầu gió.
Trước nữa, vào năm 2021, nhiều người trình báo về việc đang lưu thông trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã An Hòa, huyện Tam Dương - Vĩnh Phúc) bị các đối tượng ném đá làm hỏng kính chắn gió phía trước của xe. Sau đó Công an huyện Tam Dương đã làm rõ một nhóm học sinh cấp 2 ở trên địa bàn đã thực hiện hành vi ném đá trên. Nhóm học sinh này khai nhận đã thực hiện ném đá như vậy nhiều lầm. Lý do, khi được nghỉ hè ở nhà, các cháu vào mạng xã hội TikTok xem các video rồi học theo và rủ nhau đi ném đá vào các xe. Sự việc khiến người xem không khỏi kinh hoàng bởi thời điểm này, các ô tô đang di chuyển với vận tốc hơn 100 km/giờ. Nếu chẳng may mất lái, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Hay như trào lưu bẻ đồ long đao (thanh gập lò xo tập tay) được chia sẻ rầm rộ trên các mạng xã hội vào cuối năm 2023. Trong giờ ra chơi, một bé trai 10 tuổi (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đứng xem bạn chơi trò thách đố “ai là người khỏe nhất” theo clip trên Tiktok bằng cách bẻ đồ long đao và vô tình bị vật này văng vào mặt. Hậu quả, bé trai này đã phải nhập viện vì tổn thương nghiêm trọng ở vùng mũi.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về các trào lưu xuất hiện trên mạng xã hội, BS Vũ Huy Hoàng chia sẻ: “Bản thân tôi cảm thấy khá buồn và khó hiểu vì mọi người, đặc biệt là giới trẻ có thể dễ dàng chạy theo những trào lưu khá buồn cười, vô nghĩa thậm chí là ngớ ngẩn, ví dụ như cho mắm tôm vào trà sữa, hít dầu gió… Đương nhiên, đa phần các trào lưu này không gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nhưng cũng có những trào lưu có thể dẫn tới chết người, trào lưu “bắt pen” là ví dụ điển hình. Tôi cho rằng, đối với những trào lưu nguy hiểm, cần có sự tham gia về mặt quản lý nhà nước, cần yêu cầu các nền tảng mạng xã hội gỡ những video này bằng văn bản pháp lý. Bên cạnh đó, vai trò của phụ huynh và nhà trường cũng vô cùng quan trọng trong việc cần tăng cường giám sát, nhắc nhở học sinh để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Và trên hết, người dùng mạng xã hội cần phải cẩn trọng, có ý thức tự bảo vệ mình khi sử dụng mạng xã hội, thông qua việc tự tạo một “bộ lọc” phù hợp cho bản thân”.
Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), những trào lưu nguy hiểm thu hút giới trẻ tham gia vì đánh trúng vào tâm lý muốn được công nhận, thể hiện bản thân của họ. Những trào lưu này là biến thể của những dạng hành vi muốn tạo nên “trend” hoặc trò nghịch ngợm của tuổi trẻ mà không được cân nhắc về hậu quả. Các bạn trẻ bị tò mò hoặc bị lôi kéo, không được gia đình quản lý, hướng dẫn nên muốn tạo ra một điều gì đó thu hút sự chú ý và sự thừa nhận của xã hội mà không ý thức được ở sau đó có rất nhiều nguy cơ nguy hiểm.
Các trào lưu độc hại không chỉ gây tổn thương về thể chất cho người tham gia mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và nhận thức của giới trẻ. Những hành động mạo hiểm, thiếu suy nghĩ có thể để lại hậu quả tâm lý lâu dài, làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu. Ngoài ra, việc tập trung quá nhiều vào các trào lưu nhất thời cũng khiến nhiều bạn trẻ sao nhãng học tập và các hoạt động tích cực khác. Sự lỗi thời nhanh chóng của các xu hướng này cũng dẫn đến cảm giác hụt hẫng, áp lực khi không kịp bắt kịp những xu hướng tiếp theo. Chính vì vậy, để giới trẻ nhìn nhận đúng về những trào lưu trên mạng xã hội thì ngoài nỗ lực của bản thân, sự can thiệp từ nhiều phía cũng quan trọng nhằm định hướng và giáo dục nhận thức cho giới trẻ về mặt trái của mạng xã hội.
PGS.TS Trần Thành Nam mong rằng các cơ quan chức năng cần phải có chính sách tốt hơn trong việc kiểm soát những nội dung mang tính chất nghịch dại của tuổi vị thành niên trên không gian mạng, nếu không sẽ có thể gây ảnh hưởng tới rất nhiều bạn trẻ khác, bằng việc bắt chước làm tăng độ nguy hiểm của những trò nghịch dại này.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, từ một trò chơi nguy hiểm với một số ít đối tượng tham gia, nhưng khi lan truyền trên mạng, nó nhanh chóng thu hút sự hiếu kỳ của số đông và để lại những hậu quả nặng nề. Chúng ta cần xây dựng nhiều không gian lành mạnh, tạo nhiều sân chơi, câu lạc bộ thúc đẩy năng lực cá nhân hóa của học sinh.