Cảnh giác với chiêu trò mạo danh chương trình đài truyền hình để lừa đảo

Hoàng Chiến 24/07/2023 21:09

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) đã đề nghị người dân cảnh giác với thông tin về tuyển dụng các chương trình truyền hình đăng tải trên mạng xã hội.

Mạo danh Đài truyền hình

Theo Công an TP Hà Nội, lợi dụng nhu cầu tìm các khóa học, kỳ học, chương trình ngoại khóa cho con trong thời gian nghỉ hè năm 2023, trên mạng xã hội trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều fanpage “Chiến sĩ nhí”, “Chiến sỹ nhí năm 2023”… đăng tải các nội dung giả mạo.

Cụ thể, các bài đăng liên tục giả mạo các nội dung như: “Tuyển các chiến sĩ tý hon cho chương trình chúng tôi là chiến sỹ nhí – Đài truyền hình Việt Nam VTV; Cần tuyển 500 mẫu nhí cho chương trình chúng tôi là chiến sỹ nhí 2023 của Đài truyền hình Việt Nam VTV thực hiện; Chương trình sẽ được phát sóng vào 20h thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV3 Đài truyền hình Việt Nam”...

Loạt fanpage giả mạo Đài truyền hình tuyển dụng để lừa đảo. Ảnh: Công an Hà Nội.

Để đăng ký tham gia chương trình, các đối tượng cung cấp cho phụ huynh mã ứng tuyển của bé và số điện thoại zalo của tư vấn viên, dẫn dắt bậc phụ huynh truy cập vào zalo đăng ký các thông tin cá nhân.

Sau khi đăng ký thông tin cá nhân, các đối tượng yêu cầu phụ huynh tham gia nhóm telegram để thực hiện các nhiệm vụ. Khi đăng nhập vào ứng dụng Telegram, các đối tượng sẽ yêu cầu các phụ huynh phải giúp bé vượt qua 2 vòng thử thách online để tuyển chọn hồ sơ thành công.

Ảnh: Công an Hà Nội.

Tại vòng thử thách thứ 2, các đối tượng sẽ yêu cầu mời chào phụ huynh thực hiện các nhiệm vụ để hưởng hoa hồng với lãi suất cao. Trong nhóm, sẽ có nhiều ảnh phụ huynh chuyển tiền và nhận được hoa hồng như hứa hẹn tạo lòng tin. Khi phụ huynh chuyển tiền vào thực hiện các nhiệm vụ sẽ bị chiếm đoạt số tiền chuyển khoản.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị người dân cảnh giác với thông tin về các chương trình trên mạng xã hội; cần tỉnh tảo trước lời mào chào trên mạng xã hội, nhất là khi thực hiện các nhiệm vụ hưởng hoa hồng cao, đóng các khoản tiền nhất định.

Phụ huynh cần cảnh giác

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Bùi Xuân Lai (Công ty Luật TNHH hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) cho biết, tình trạng mạo danh nhắm vào đối tượng là các bậc phụ huynh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuy không mới nhưng liên tục thay đổi cách thức, nội dung dẫn đến nhiều người vẫn bị "sập bẫy" nếu không cảnh giác.

Trước đó, tình trạng mạo danh giáo viên thông báo đến phụ huynh có con nhập viện hay lừa đảo “tuyển mẫu nhí” để chiếm đoạt tài sản... đã từng khiến nhiều bậc phụ huynh mất tiền oan.

Luật sư Bùi Xuân Lai (Công ty Luật TNHH hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X).

"Đáng nói, đây là hành vi lừa đảo trắng trợn khi ngang nhiên công khai trên các trang mạng xã hội với lượt tương tác lớn, nhiều người không đề phòng", Luật sư Lai nhấn mạnh.

Theo Luật sư, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

"Nếu đủ cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu theo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

Ngoài ra, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm; dùng thủ đoạn xảo quyệt... thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Còn nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Và khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân được áp dụng trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Luật sư Lai khuyến cáo, trước chiêu trò lừa đảo sử dụng trẻ để đánh vào tâm lý phụ huynh, người dân tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng: không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Telegram… không quen biết.

Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa; trình báo cơ quan công an nơi gần nhất hoặc nghi vấn có hành vi thủ đoạn như trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với chiêu trò mạo danh chương trình đài truyền hình để lừa đảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO