Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động mạnh và tinh vi hơn. Nhất là vào thời điểm cuối năm, các đối tượng lừa đảo càng gia tăng hoạt động. Và thực tế cho thấy, nhiều người đã mắc bẫy, bị chiếm đoạt hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng.
Hiện nay việc sử dụng điện thoại làm phương tiện liên lạc đã trở nên khá phổ biến và gần như được phổ cập đến mỗi người dân. Cũng chính trên nền tảng của sự phát triển này, nhiều hình thức lừa đảo tinh vi đã len lỏi vào trong cuộc sống mà nhiều người dùng khó có thể nhận ra.
Đơn cử cho việc này, tình trạng nhiều người đã bị mất tiền trong tài khoản chỉ vì nghe điện thoại và làm theo hướng dẫn từ những cuộc điện thoại lạ.
Ngày 13/10, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, đang phối hợp các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 860 triệu đồng, với thủ đoạn gọi điện giả mạo cơ quan Công an.
Theo tài liệu điều tra, đầu tháng 10, Công an phường Kim Giang, quận Thanh Xuân nhận được đơn trình báo của bà T. (63 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), về việc bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 860 triệu đồng.
Theo đơn trình báo, bà T. nhận được điện thoại từ các đối tượng tự xưng là Công an, Kiểm sát viên, thông báo bà T. có liên quan tới một vụ án. Các đối tượng yêu cầu bà T. phải chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng cung cấp để kiểm tra. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, bà T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Trước đó, hồi cuối tháng 8, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng phối hợp các cơ quan chức năng điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt 520 triệu đồng. Cụ thể, ngày 22/8, Công an phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) tiếp nhận đơn trình báo của chị T. (42 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) về việc nhận được một cuộc điện thoại từ một người tự xưng là cán bộ điện lực. Người này thông báo thẻ căn cước công dân của chị T. có đăng ký dịch vụ điện tại TP HCM và đang nợ tiền.
Sau đó người này tiếp tục nói căn cước công dân của chị T. có đứng tên 1 tài khoản ngân hàng liên quan đến 1 vụ buôn bán ma túy và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để xác minh.
Sau khi chị T. cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP cho người lạ thì phát hiện tài khoản bị rút mất 520 triệu đồng. Lúc này chị T. mới biết mình bị lừa và đến công an trình báo sự việc.
Mặc dù đây không phải là thủ đoạn mới và đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng rất nhiều bị hại đã sập bẫy của các đối tượng. Đa phần thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín cho nên sẽ có trường hợp không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân đây là thủ đoạn lừa đảo, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn nêu trên, tránh “mắc bẫy của đối tượng xấu”. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương và không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra.
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.