Không quá khó để mua hàng hóa, trong đó có mỹ phẩm trên mạng, nhưng chất lượng thế nào lại là vấn đề khác.
Ngày 31/7/2024, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT Bắc Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra đột xuất kho hàng kinh doanh online tại phường Xương Giang, TP Bắc Giang, do bà H. (SN 1982), trú tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên làm chủ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ khoảng 70.000 sản phẩm gồm kem dưỡng da, kem trị nám, sữa rửa mặt, gel tẩy da chết, kem tẩy lông, kem dưỡng tóc, thuốc nhuộm tóc, nước hoa..., tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Quá trình làm việc, bà H. thừa nhận toàn bộ số hàng hóa nêu trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, mua trôi nổi trên thị trường.
Ngày 11/7/2024, Đội QLTT số 2, Cục QLTT TP Hải Phòng phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Hải An tiến hành kiểm tra một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm tại đường Chợ Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng có trưng bày giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm tại trang mạng Facebook do mình sở hữu có tên: “Hồng Anh Chuyên Đồ Hiệu”. Kiểm tra thực tế tại cửa hàng, đoàn kiểm tra phát hiện 2.121 sản phẩm mỹ phẩm gồm son, kem dưỡng, serum... có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, tổng trị giá hàng hóa hơn 364 triệu đồng.
Không chỉ bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, điều đáng báo động là nhiều cơ sở kinh doanh, điểm tập kết hàng chục tấn hàng hóa là nguyên liệu sản phẩm mỹ phẩm, kem đánh răng thành phẩm đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí đã hết hạn sử dụng.
Ngày 9/7/2024, QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bắt quả tang và tạm giữ hơn 50.000 sản phẩm mỹ phẩm, kem đánh răng đã hết hạn sử dụng tại 5 gian hàng kinh doanh tại khu vực đường Nguyễn Đình Tứ, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; trong đó có một lượng lớn hàng hóa là kem đánh răng trẻ em nhãn hiệu O-ZONE và nhiều mỹ phẩm đang được tẩy date cũ đã hết hạn sử dụng và in, dập date mới với hạn sử dụng vài năm so với hạn sử dụng đã hết trước đó...
Thực tế cho thấy cần đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường kiểm soát người bán, chất lượng sản phẩm và đánh giá người bán và đánh giá sản phẩm, công khai thông tin đánh giá để người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn và mua sản phẩm phù hợp. Về phía người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông minh, không tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái và phản ánh/tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm.
Đồng thời, cơ quan chức năng phải xây dựng các giải pháp, trang bị công cụ, thiết bị và các hệ cơ sở dữ liệu tập trung các bộ, ngành cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong công tác phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng hóa nhập lậu và chống thất thu thuế.
Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết thời gian qua đã phát hiện nhiều hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến livestream bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái. Cục đã yêu cầu gỡ bỏ 23.239 sản phẩm, chấm dứt hoạt động 6.254 gian hàng. Ngoài ra, Cục chuyển cơ quan cảnh sát điều tra, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự 346 website, sàn thương mại điện tử vi phạm.