Pháp luật

Cảnh giác với thủ đoạn buôn người qua Tam Giác Vàng

HẠNH NGUYÊN 25/08/2024 10:18

Từ việc bóc gỡ đường dây mua bán người, bắt giữ 155 đối tượng từ Tam Giác Vàng (khu vực biên giới 3 nước Lào, Myanmar, Thái Lan), lực lượng chức năng Hà Tĩnh phát hiện, thủ đoạn của đối tượng hết sức tinh vi, ranh mãnh, tàn độc. Người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh sập bẫy của các đối tượng.

cac-doi-tuong-chay-ra-ban-cong-hong-tau-thoat-nhung-bi-bat-giu..jpg
Các đối tượng chạy ra ban công hòng tẩu thoát nhưng bị bắt giữ.

Dùng người Việt lừa người Việt

Từ đầu năm 2024, các đơn vị của Công an tỉnh Hà Tĩnh liên tục nhận được nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị lừa hàng tỷ đồng với phương thức giống nhau. Cùng với đó, nhiều gia đình có con bị lừa bán sang Lào với lời hứa “việc nhẹ, lương cao” cũng gửi đơn trình báo. Đặc biệt, nhiều người khi sang Lào bị cưỡng bức tham gia thực hiện các hoạt động phạm tội, muốn về nhưng không thể do bị thu hết giấy tờ và bị quản lý chặt chẽ.

Các nhóm đối tượng móc nối với người Việt Nam đã từng tham gia tổ chức lừa đảo qua mạng do người nước ngoài cầm đầu hoạt động tại các nước để thực hiện chiến thuật “dùng người Việt lừa người Việt”. Các đối tượng tỏa ra các khu vực, tìm kiếm trên mạng xã hội, sử dụng các thủ đoạn để lôi kéo, dụ dỗ, lừa những người Việt Nam nhập cảnh trái phép với chính sách lương hấp dẫn 18-30 triệu đồng và “làm việc trên máy tính”. Trong thời gian ngắn, nhóm đối tượng đã thành lập một băng nhóm, đặt "đại bản doanh" tại khu vực được mệnh danh là "thế giới của tội phạm" - đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (tỉnh Bokeo - Lào). Nhóm đối tượng ăn uống, sinh hoạt tập trung trong những toà nhà cao tầng ở đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng. Sau khi xác minh, Công an tỉnh Hà Tĩnh lập chuyên án để hỗ trợ giải cứu.

kich-ban-lua-dao-duoc-ghi-chep-cu-the-trong-cac-cuon-so..jpg
Kịch bản lừa đảo được ghi chép cụ thể trong các cuốn sổ.

Lừa đảo theo kịch bản

“Công việc trên máy tính” thực chất là lừa đảo qua mạng xã hội. Lấy danh nghĩa là một doanh nghiệp được cấp phép hợp pháp trong đặc khu, nhóm đối tượng tổ chức bài bản theo mô hình công ty với đầy đủ bộ phận quản lý, điều hành. Chúng phân chia thành tổ, nhóm, hoạt động theo quy chế, nội quy do những kẻ chủ mưu, cầm đầu đặt ra với cấp dưới; phân chia lợi ích theo lương tháng và phần trăm số tiền mỗi đối tượng lừa được của bị hại…

Nhóm đối tượng soạn sẵn những “kịch bản” lừa đảo, ghi chép chi tiết vào từng cuốn sổ. Ở đó có quy trình làm quen, tạo lòng tin, dụ dỗ…đến lừa đầu tư tiền. Theo kế hoạch có sẵn, các đối tượng sử dụng và xây dựng tài khoản Facebook ảo, mạo danh là những người thành công, giàu có, doanh nhân thành đạt, thường xuyên đăng tải hình ảnh ăn chơi, du lịch làm cho tài khoản ảo này giống thật để kết bạn, làm quen, tạo lòng tin với nhiều người ở Việt Nam.

Nạn nhân chúng hướng đến là phụ nữ có điều kiện về kinh tế hoặc có nhiều mối quan hệ xã hội. Với các “bẫy tâm lý” được dàn dựng tinh vi, khi gây dựng được sự tin tưởng với các bị hại nhóm đối tượng sẽ lôi kéo, rủ rê họ đầu tư kinh doanh trên mạng để hưởng % hoa hồng cao, lợi nhuận khủng. Thời gian đầu hoạt động này mang đến cho các bị hại những khoản lợi nhuận rất tốt nên sẽ ngày càng đầu tư vào với số tiền ngày càng nhiều hơn. Đến lúc không thể đầu tư thêm thì các đối tượng sẽ “giết khách” bằng cách tạo ra nhiều lý do khác nhau để cắt liên lạc từ đó chiếm đoạt tiền bị hại đã đầu tư vào. Với phương thức đó trong 2 năm hoạt động, tổ chức tội phạm quốc tế này đã lừa hàng chục nghìn bị hại, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng…

nghi-can-dinh-van-chau-tai-co-quan-dieu-tra..jpg
Nghi can Đinh Văn Châu tại cơ quan điều tra.

Lời khai của mắt xích lừa đảo

Đinh Văn Châu, tổ trưởng trong đường dây, khai với cơ quan điều tra, đối tượng được một người bạn rủ sang tỉnh Bokeo - Lào làm việc tại công ty riêng với mức lương hấp dẫn. Ban đầu, Châu được bố trí việc như nhân viên bình thường, vài tuần sau, quản lý chia cho một số lợi nhuận cao và thăng chức. Châu phải ký cam kết muốn về nước thì đền bù 70 triệu đồng.

Châu có trách nhiệm đôn đốc cấp dưới gọi điện về Việt Nam lừa đảo. Hàng ngày, cấp trên sẽ giao nhiệm vụ, Châu thông báo lại cho các thành viên trong tổ. Châu đốc thúc mỗi ngày một nhân viên trong tổ được giao chỉ tiêu tương tác với 2 khách hàng mới. Họ chủ yếu là phụ nữ đơn thân, thiếu thốn tình cảm. Sau quá trình làm thân tạo lòng tin, khi thấy nạn nhân tin tưởng, chúng dụ dỗ tham gia các ứng dụng do công ty tạo ra để đầu tư, nhằm chiếm đoạt tài sản. “Nhân viên hoạt động dựa trên tài liệu mà quản lý công ty cung cấp, từ quy trình đi tìm khách hàng, làm quen, chào hỏi đến nói chuyện như thế nào để tạo tình cảm nhằm dụ dỗ sa bẫy”, Đinh Văn Châu khai.

Một nữ nghi can khai, vài tháng trước được bạn giới thiệu vào làm việc tại một công ty ở Tam Giác Vàng, hứa trả lương mỗi tháng gần 18 triệu đồng. Nhiệm vụ là đóng vai những doanh nhân thành đạt, giàu có, thường xuyên đăng ảnh ăn chơi ở những nơi sang chảnh để tiếp cận “con mồi”, sau đó dụ dỗ nộp tiền đầu tư dự án sinh lời. Tuy nhiên, 2 tháng đầu, nhân viên này không lừa được số nạn nhân theo yêu cầu nên bị phạt, chỉ nhận được gần 14 triệu đồng. “Trong 3 ngày, nếu không có khách hàng tiềm năng nói chuyện, nhân viên trong đường dây sẽ bị công ty trừ tiền, thậm chí còn bị quản lý hăm dọa, đánh đập. Nhiều lần tôi muốn về quê nhưng họ nhốt không cho ra khỏi tòa nhà, muốn gọi hỏi vay tiền đền bù hợp đồng cũng không được", nghi can nói với cảnh sát.

Đối tượng tên N.T.H khai, trong thời gian qua đã tiến hành lừa đảo đối với hơn 200 người Việt Nam. Trong số đó có người từng bị lừa đến 5 tỷ đồng. Với doanh số từ 7-11% dựa trên số tiền chiếm đoạt được, trung bình mỗi tháng N.T.H sẽ nhận được tối thiểu từ 8.000-10.000 nhân dân tệ tương đương với 25 triệu đến 36 triệu đồng.

“Cất vó” đường dây lừa đảo xuyên quốc gia

Công an Hà Tĩnh cho biết, giai đoạn 1 (tháng 5/2024), đơn vị phối hợp với các đơn vị giải cứu thành công 36 người về nước an toàn, đồng thời bắt giữ 4 đối tượng về hành vi mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ đây, Ban chuyên án Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Công an, Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh và nhà chức trách nước bạn Lào lên kế hoạch phá án.

Ngày 30/7, những chiến sĩ tinh nhuệ của Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh cùng các đơn vị nghiệp vụ lên đường thực hiện nhiệm vụ. Đến nơi, ban chuyên án gặp khó khăn khi đây là một đặc khu kinh tế có tính chất đặc thù. Nhưng với sự hợp đồng tác chiến chặt chẽ của lực lượng nghiệp vụ Công an Việt Nam, Công an Lào, sau khi lên kế hoạch chi tiết, bài bản, rạng sáng 2/8, Ban chuyên án quyết định xuất kích. Cảnh sát xác định, nhóm này làm việc từ tầng 3 đến tầng 11 của tòa nhà nên sau khi phát hiện có cảnh sát, nhiều người đã lập tức bỏ chạy tán loạn. Nhóm này cố gắng tẩu tán, tiêu hủy công cụ phạm tội, cố thủ tại phòng sinh hoạt chung, trèo ra các ban công ẩn nấp hoặc trà trộn vào số người nước ngoài đang làm việc cùng tòa nhà.

Sau hơn 4 giờ truy bắt của lực lượng Công an Việt Nam và Công an Lào, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu cũng như các nhân viên đã sa lưới. Tại đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ 155 đối tượng, thu giữ gần 100 quyển hộ chiếu, 74 viên hồng phiến, 18.900 nhân dân tệ, hàng chục máy tính và gần 500 điện thoại cùng hàng nghìn sim điện thoại không chính chủ… Trong đó, Hoàng Bích Ngọc sau khi biết thông tin đã bỏ trốn về Việt Nam. Nhưng khi đến sân bay Nội Bài đã bị công an bắt giữ.

Đại tá Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đây là một bộ máy tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp, xuyên biên giới hoạt động trên không gian mạng, do người nước ngoài quản lý chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn nạn nhân Việt Nam. Thành công của chuyên án là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ Việt Nam và Lào, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội của hai nước Việt - Lào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với thủ đoạn buôn người qua Tam Giác Vàng