Pháp luật

Cảnh giác với thủ đoạn giả mạo cơ quan chức năng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tấn Thành - Chí Đại 08/04/2024 08:13

Thời gian qua, nhiều nạn nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị các đối tượng lừa đảo bằng cách giả mạo cơ quan chức năng thông báo người bị hại dính đến án ma túy hay những vụ án quan trọng khác yêu cầu chuyển tiền kiểm tra tính minh bạch rồi chiếm đoạt.

anh-bai-tren(2).jpg
Khi truy cập vào wifi có đính kèm mã độc, nạn nhân sẽ mất tiền trong tài khoản. Ảnh: CA Quảng Ngãi.

Nhiều nạn nhân “sập bẫy”

Bà H.T.K. (58 tuổi, trú thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, bà bị một đối tượng gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 800 triệu đồng.

Cụ thể, chiều 29/3, bà K. nhận được cuộc gọi từ một người lạ xưng làm ở cơ quan Cảnh sát điều tra và cho biết bà liên quan đến hoạt động mua bán ma túy, rửa tiền. Người này yêu cầu bà K. kết bạn trên ứng dụng zalo để gửi lệnh bắt và các văn bản liên quan.

Qua zalo, bà K. thấy lệnh bắt tạm giam, họ tên, địa chỉ, ngày tháng năm sinh trùng khớp. Đối tượng lừa đảo còn gửi cho bà K. một văn bản đóng dấu “tuyệt mật”, yêu cầu phải giữ kín thông tin và nộp số tiền 800 triệu đồng để phục vụ điều tra, bà K. đã thực hiện theo hướng dẫn.

Đến tối 31/3, do lo sợ nên bà K. kể sự việc với chồng. Biết vợ bị lừa, chồng bà K. đã đến cơ quan Công an trình báo.

Ngày 1/4, ông N.V.C. (62 tuổi, ở phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) cũng bị lừa 100 triệu đồng với thủ đoạn tương tự.

Trước đó, ngày 29/9/2023, Phòng PA05, Công an tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi (Vietcombank Quảng Ngãi) ngăn chặn kịp thời vụ giả mạo lực lượng Công an yêu cầu bà N.T.H.V. (77 tuổi, ở TP Quảng Ngãi) chuyển khoản 900 triệu đồng.

Theo đó, bà N.T.H.V. liên tục nhận các cuộc gọi nói bà liên quan vụ án ma túy, rửa tiền mà Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đang điều tra và yêu cầu bà không được nói cho ai biết. Sau đó đối tượng lừa đảo gọi video cho bà V. với hình ảnh nhiều người mặc trang phục Công an, trong không gian làm việc giống tại cơ quan Công an để bà V. tin tưởng.

Các đối tượng này gửi lệnh bắt giam bà V. qua zalo để đe dọa và yêu cầu bà V. đi mở tài khoản ngân hàng và chuyển tiền vào. Do lo sợ và không nắm rõ quy trình làm việc của cơ quan chức năng, bà V. mở tài khoản tại một ngân hàng rồi đến Vietcombank Quảng Ngãi rút 900 triệu đồng trong sổ tiết kiệm để chuyển qua số tài khoản này.

Trước hành vi bất bình thường, có dấu hiệu lo lắng, sợ sệt, liên tục nhận điện thoại của bà V., nhân viên Vietcombank Quảng Ngãi đã thông báo, phối hợp với lực lượng Công an tìm hiểu sự việc, trấn an tâm lý, không cho bà V. chuyển 900 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo…

Cần nâng cao cảnh giác

Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA 05), Công an tỉnh Quảng Ngãi, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thường chủ động gọi điện thoại với nạn nhân, tự giới thiệu là cán bộ cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Tòa án nhân dân thông báo rằng, nạn nhân có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và rửa tiền, hiện cơ quan chức năng đang chuẩn bị thi hành lệnh bắt tạm giam đối với nạn nhân để phục vụ điều tra.

Sau khi kết thúc cuộc gọi, các đối tượng kết bạn zalo và gửi ngay lệnh bắt giam để minh chứng và uy hiếp tinh thần nạn nhân. Tiếp đến các đối tượng lừa đảo còn giả mạo các website cơ quan chức năng, sau đó gửi thông tin tài khoản, mật khẩu để nạn nhân đăng nhập và tự tải lệnh bắt tạm giam của bản thân mình.

Để trấn an, các đối tượng lừa đảo hứa sẽ hỗ trợ nạn nhân chứng minh sự trong sạch của mình bằng cách cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, kê khai tài sản và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản của chúng để phục vụ điều tra, sau khi chứng minh rõ nguồn gốc số tiền này, cơ quan chức năng sẽ trả lại; đồng thời đe dọa, nếu không thực hiện theo yêu cầu thì nạn nhân sẽ bị bắt giam ngay. Các đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân phải giữ bí mật thông tin, nội dung cuộc nói chuyện đang được ghi âm lại để làm bằng chứng trước tòa.

Mặc dù không vi phạm pháp luật, nhưng trước những giấy tờ và thông tin trên và nhiều người không biết đó là những giấy tờ giả mạo nên hoang mang, sợ hãi, bất an và để minh chứng mình không phạm tội nên họ đã chuyển tiền theo yêu cầu nhóm đối tượng lừa đảo và bị chiếm đoạt.

Đại tá Trần Văn Mạnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian gần đây nhiều đối tượng giả mạo cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng xã hội. Do đó, người dân cần đề cao cảnh giác trước các số điện thoại lạ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ các cuộc gọi giả danh cơ quan thực thi pháp luật. Khi cần giải quyết công việc với người dân, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành gửi giấy mời làm việc theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Đại tá Trần Văn Mạnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, trường hợp người dân nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan Công an địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra Công an tỉnh cũng chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao cảnh giác các hành vi lừa đảo của kẻ xấu trên không gian mạng, nhằm ngăn chặn các vụ lừa đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với thủ đoạn giả mạo cơ quan chức năng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO