Việc mở cửa cho nhà đầu tư ngoại, cũng như doanh nghiệp ngoại tham gia sâu vào thị trường xăng dầu đang được kỳ vọng thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh hơn.
Cụ thể, sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa công ty nhà nước và tư nhân. Nhiều người cho rằng, thế độc quyền trong ngành kinh doanh xăng dầu sẽ bị phá vỡ đúng theo nghĩa đen của nó.
Đến thời điểm “mở cửa”?
Tại dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu (do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo) đưa ra điểm mới, đó là cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia nhiều hơn vào thị trường xăng dầu. Quy định này đang nhận được nhiều quan điểm trái chiều từ chuyên gia kinh tế và người dân.
Cụ thể, tại Điều 1 của dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 83 quy định: Thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không quá 35%.
Theo quan điểm của Bộ Công thương, do xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, an ninh năng lượng, nên khi mở cửa lĩnh vực này, cơ quan này đã tính toán rất kỹ thời điểm phù hợp.
Năm 2007, khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xăng dầu là lĩnh vực Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường, với mục đích để doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn mạnh, xây dựng cơ sở vật chất và trấn giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu nội địa.
Sau 13 năm, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực quan trọng như điện, dầu khí, hàng không... nên có thể mở cửa đối với thị trường xăng dầu.
Bộ Công thương cũng cho rằng, sự tham gia của nhà đầu tư ngoại vào một số doanh nghiệp nhà nước lớn, được Thủ tướng cho phép (Tổng Công ty dầu Việt Nam – PVOil là 35%, Tổng Công ty Dầu Bình Sơn là 49%, Tập đoàn Xăng dầu 20%) đã góp phần cải thiện đáng kể quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp giá trị của doanh nghiệp tăng thông qua giá trị cổ phiếu. Về tỷ lệ nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu 35% vốn, theo quan điểm của Bộ Công thương, nhằm đảm bảo họ không được quyền phủ quyết các vấn đề trong điều hành hoạt động doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ này đủ giúp doanh nghiệp trong nước vừa có vốn, có công nghệ, nâng cao quản trị...
Không còn cảnh gian lận
Việc mở cửa cho nhà đầu tư ngoại, cũng như doanh nghiệp ngoại tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu sẽ thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh hơn. Cụ thể, sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa công ty nhà nước và tư nhân. Nhiều người cho rằng, thế độc quyền trong ngành kinh doanh xăng dầu sẽ bị phá vỡ đúng theo nghĩa đen của nó. Dù hiện nay tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu trong nước đã được cải thiện với 23 thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu, cùng 69 thương nhân phân phối xăng dầu. Song, “đại gia” Petrolimex vẫn đang nắm tỷ lệ thị phần rất lớn. Điều này khiến cho thị trường vẫn mang tính cạnh tranh nửa vời, luôn bị ám ảnh về vấn đề an ninh năng lượng.
Khi doanh nghiệp ngoại được rộng sân chơi hơn trong lĩnh vực xăng dầu, chắc chắn đẩy mạnh hơn tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội với nhau. Từ đó tăng cạnh tranh trực tiếp với thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu ngoại về giá bán lẻ xăng dầu, giúp người tiêu dùng được lựa chọn mua xăng dầu với mức giá phù hợp.
Giới chuyên gia cho rằng, càng mở cửa thu hút đầu tư, thì người tiêu dùng càng được hưởng chất lượng dịch vụ cạnh tranh tốt hơn. “Đối với kinh doanh xăng dầu cần phải mở cửa thu hút càng nhiều nhà đầu tư càng tốt. Có vậy giá cước vận chuyển mới có thể hạ xuống được...”, anh Nguyễn Phương Đông, một lái taxi chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ở lĩnh vực phân phối xăng dầu, có “đại gia” Nhật Bản mở trạm bán xăng tại Việt Nam. Nhân viên bán hàng có cách phục vụ khách hàng thân thiện nên đã nhận được cảm tình của nhiều người dân. Vì vậy theo ông Hiếu, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tác động tốt đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Việt Nam về cách làm dịch vụ và thái độ phục vụ, văn hóa phục vụ khách hàng. Nhiều quan điểm cũng cho rằng, khi mở cửa thị trường xăng dầu cho nhà đầu tư ngoại, vừa có sản phẩm tốt, chất lượng cao để phục vụ người dân, trong khi Nhà nước lại tăng thu được thuế thì không có lý gì để từ chối.
Trao đổi với PV về vấn đề mở cửa rộng hơn cho doanh nghiệp ngoại tham gia vào thị trường xăng dầu, nhiều người dân thẳng thắn cho rằng, họ sẽ được mua xăng mà không sợ bị gian lận, móc túi bằng cách điều chỉnh máy bơm thiếu xăng dầu.