Vừa qua, tại Cao Bằng xảy ra vụ việc 4 trẻ tại xóm Lũng Khỉnh, xã Đa Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng phải nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi. Tới chiều 14/6, đã có 3 bệnh nhân tử vong.
Các cháu được chăm sóc tại BVĐK tỉnh Cao Bằng.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, khoảng 8h ngày 8/6 tại xóm Lũng Khỉnh, xã Đa Thông, huyện Thông Nông có 4 trẻ là Lý Văn Thắng (13 tuổi), và 3 em khác cùng một gia đình gồm Lý Thị Hoa (10 tuổi); Lý Thị Mái (9 tuổi); Lý Văn Trường (7 tuổi) rủ nhau đi lấy thức ăn cho trâu bò, hái và ăn quả vải địa phương tại vườn gần nhà.
Sau khi ăn, đến 12h đêm cùng ngày Lý Văn Thắng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, mệt. Đến sáng 9/6 em Lý Văn Thắng nôn ra máu, sau đó đã tử vong tại nhà vào hồi 15h cùng ngày.
Anh Lý Văn Dẩu, bố của 3 bệnh nhi cho biết, ngày 8/6 vợ chồng anh đi làm nương, đến chiều tối đi làm về, thấy các con có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi nhưng anh nghĩ các con bị cảm thông thường. Đến sáng hôm sau, các con đều có dấu hiệu nặng hơn nên vợ chồng anh mới đưa đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Thông Nông cấp cứu.
Khoảng 10h ngày 9/6, 2 cháu Lý Thị Hoa và Lý Thị Mái đều xuất hiện buồn nôn, nôn, đau đầu, mệt, được BVĐK huyện Thông Nông điều trị bằng truyền dịch, thở oxy. Do tình trạng nặng, BVĐK huyện Thông Nông cử nhân viên y tế và bố trí xe cứu thương để chuyển bệnh nhân đến BVĐK tỉnh Cao Bằng vào hồi 18h cùng ngày.
Bệnh nhi Lý Văn Trường được người nhà đưa vào BVĐK Thông Nông lúc 8h ngày 10/6 trong tình trạng tỉnh, buồn nôn, mệt và được BVĐK huyện Thông Nông chuyển đến BVĐK tỉnh vào hồi 10h ngày 10/6.
Trước tình hình trên, Sở Y tế đã trực tiếp xuống thăm hỏi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và làm việc với BVĐK tỉnh, Trung tâm Y tế Dự phòng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe.
Tại buổi làm việc, Sở Y tế chỉ đạo, BVĐK tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân; Trung tâm Y tế Dự phòng và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp lấy mẫu bệnh phẩm gửi tuyến Trung ương xét nghiệm để tìm nguyên nhân; Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe cử cán bộ đưa tin cùng với các đoàn làm việc của Sở Y tế và chỉ đưa tin khi được phép của lãnh đạo Sở Y tế để định hướng thông tin được đầy đủ, chính xác và kịp thời đến người dân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Sở Y tế tỉnh Cao Bằng để tìm nguyên nhân vụ việc.
Bác sĩ Phương Đức Cù - Giám đốc BVĐK tỉnh Cao Bằng cho biết: “Các bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng: mệt mỏi, nôn, đau đầu, hôn mê, co giật. Đến nay, có 1 trẻ tình trạng sức khỏe đã dần hồi phục và đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Trước đó, kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng bạch cầu tăng cao trong khi lượng đường trong cơ thể các bệnh nhi giảm rất thấp. Hiện BV đang lưu giữ kết quả xét nghiệm máu để chuyển lên Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) nhằm có kết quả chính xác”.
BS Hoàng Văn Kiền - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu (BVĐK tỉnh Cao Bằng) cho biết, mặc dù được các bác sĩ hết sức chữa trị nhưng 2 cháu Lý Thị Hoa và Lý Thị Mái đã không thể qua khỏi. Hiện tại, chỉ có sức khỏe của cháu Lý Văn Trường (7 tuổi) là tạm thời ổn định và được chuyển sang khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị.
Theo BS Kiền, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm nhưng với các dấu hiệu trên, các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng các em này bị viêm não.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, quả vải đã được người dân trồng và sử dụng từ hàng trăm năm qua. Quả vải cũng có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Vải có hàm lượng dinh dưỡng rất cao nên có nhiều lợi ích như hỗ trợ tiêu hóa, cung cấp các vitamin. Vì vậy, thông tin cho rằng các cháu bé tử vong sau khi ăn vải là không chính xác. Ông cho biết: “Tôi khẳng định không thể có chuyện ăn quả vải rồi tử vong. Mọi thông tin đưa ra cần chính xác và có kiểm chứng không để ảnh hưởng đến người trồng vải”.