Kinh tế

Cao Bằng: Định hướng xây dựng vùng hàng hóa để phát triển sản phẩm OCOP

Toán Nguyễn - Thành Vân 25/12/2023 13:41

Phát huy giá trị sản phẩm OCOP và nâng cao đời sống nhân dân vùng sản xuất, đó là những định hướng mang tính vĩ mô được tỉnh Cao Bằng quan tâm.

Tỉnh Cao Bằng có 97 sản phẩm OCOP, với 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao, của 67 chủ thể (22 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp, 30 hộ sản xuất kinh doanh). Trong đó, nhiều sản phẩm sản xuất theo quy mô hàng hóa, có mặt trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước và thậm chí là đảm bảo cho xuất khẩu.

Một số sản phẩm OCOP đã phát triển và gắn kết được thị trường tiêu thụ ổn định, nhưng vẫn còn nhiều sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP chưa phát huy được giá trị. Điều đó thể hiện bằng việc nhiều sản phẩm vẫn chỉ sản xuất ở mức độ quy mô nhỏ, chưa mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, sản phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Thậm chí một số cơ sở sản đã dừng sản xuất sản phẩm như: Hạt dẻ và gạo nếp ong Trùng Khánh của Công ty CP phát triển xây dựng Cao Bằng; dầu sả java của Công ty TNHH Trường Thọ Cao Bằng; sản phẩm thanh long ruột trắng, thang long ruột đỏ của HTX An Phú được chứng nhận đạt OCOP 3 sao năm 2021, nhưng đến cuối năm 2022 thì HTX tiến hành giải thể...

W_31(1).jpeg
Sản phẩm quả thanh long của tỉnh Cao Bằng chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: Toán Nguyễn.

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Cao Bằng cũng đã chỉ ra được những nguyên nhân dẫn tới vấn đề hạn chế nêu ở trên, trong đó quan trọng nhất chính là tâm lý các chủ thể sản xuất còn trông chờ vào các nguồn hỗ trợ Nhà nước và cộng đồng nên hoạt động sản xuất, kinh doanh không có tính đột phá để thích ứng với nhu cầu thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất, thậm chí là cả doanh nghiệp còn có tư tưởng ngại thay đổi khi thực hiện các thủ tục theo điều kiện và yêu cầu của bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.

Hiện nay, có nhiều sản phẩm đặc sản được công nhận OCOP, có cơ hội tiếp cận đến các thị trường ngoài tỉnh tuy nhiên do điều kiện của cơ sở sản xuất còn hạn chế, quy mô vùng nguyên liệu còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu cung ứng của siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn. Đầu tiên là do năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp, HTX và các chủ thể còn hạn chế, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ; Các phương tiện quảng bá như website, mạng xã hội, các trang bán hàng online… chưa phát huy được hết hiệu quả.

12.jpg
Ông Nông Thanh Mẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đoàn công tác Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Cao Bằng thăm cơ sở sản xuất nấm hương Việt Trúc Mai. Ảnh: Đinh Trung.

Ông Nguyễn Thái Hà - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế. Đó là bộ máy triển khai thực hiện Chương trình OCOP chủ yếu là kiêm nhiệm nên hiệu quả tư vấn, hướng dẫn cho các đơn vị sản xuất định hướng phát triển và hoàn thiện sản phẩm chưa cao; nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép và từ nội lực của chủ thể kinh tế; một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa; sự tham gia gắn kết trong phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị sản phẩm còn lỏng lẻo, dễ bị đứt gãy khi có sự biến động về thị trường.

Để chương trình OCOP phát triển trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng xác định việc đầu tiên là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chuyên môn, ngành, đoàn thể. Vấn đề tuyên truyền tiếp tục tăng cường, đa dạng hóa công tác truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả về nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể, người dân và các đơn vị phân phối. Bản thân các chủ thể cần đẩy mạnh công tác quảng bá, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP trên thị trường, chuẩn hóa phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.

Định hướng phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực theo từng vùng hàng hóa, hướng đến sản phẩm chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững, không dàn trải, không làm theo phong trào. Tỉnh Cao Bằng có chủ trương hỗ trợ chủ thể đầu tư chế biến sâu theo chuỗi liên kết nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất cho người sản xuất và phát huy giá trị của sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cao Bằng: Định hướng xây dựng vùng hàng hóa để phát triển sản phẩm OCOP

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO