Việc gìn giữ nghệ thuật hát Then ở Cao Bằng không chỉ giúp bảo tồn một loại hình di sản văn hóa độc đáo, mà còn làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Tày, Nùng ở vùng cao phía Bắc này. Những năm gần đây, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều Câu lạc bộ hát Then được thành lập. Hát Then đang có sức sống mới ở tỉnh biên cương Cao Bằng.
Nằm ở biên giới phía Bắc, Cao Bằng có có hơn 530 nghìn người. Trong đó, đồng bào dân tộc Tày, Nùng chiếm đa số. Trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng, Then có một vai trò hết sức đặc biệt. Hát Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Then được thể hiện sinh động bằng lời ca, tiếng nhạc, điệu múa dân gian hết sức phong phú và hấp dẫn. Các ông Then, bà Then thông qua lời ca, tiếng hát, những làn điệu Then từ cây đàn tính để gửi gắm những ước nguyện của người dân đến thần linh. Do được thực hành trong đời sống, con người từ khi sinh ra đến mất đi đều gắn bó với các bài Then, với cây đàn tính nên giai điệu Then, tiếng đàn tính đã ngấm vào hơi thở trong cộng đồng người Tày, Nùng.
Nghệ nhân Bế Sơn Chung, xã Bế Văn Đàn (Quảng Hòa) cho biết: “Hát Then tính Cao Bằng có ở hai vùng, miền với giai điệu, cây đàn đặc trưng riêng, đó là Then tính miền Tây và Then tính miền Đông. Then miền Tây có cây đàn tính 3 dây âm cao thánh thót, làn điệu then dịu ngọt, mềm mại, dung dị như người thiếu nữ; Then miền Đông có cây đàn tính hai dây thanh trầm hơn, nhưng khi tiếng Then cất lên lại mạnh mẽ, trải lòng miên man, nhịp điệu rộn ràng”.
Nhận thức được vai trò hát Then trong đời sống đồng bào dân tộc Tày, Nùng, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích bà con gìn giữ, phát huy giá trị hát Then. Đặc biệt, từ năm 2019, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh Di sản phi vật thể đại diện nhân loại, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và chính nhân dân được nâng lên. Phong trào luyện tập, truyền dạy hát Then ngày một sôi nổi.
Vào tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần, người dân xã Vũ Minh (huyện Nguyên Bình) lại được nghe những giai điệu hát Then mượt mà đằm thắm, được nghe tiếng đàn Tính trầm bổng, réo rắt khi Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính và hát dân ca Minh Thanh luyện tập. Câu lạc bộ được thành lập bởi Nghệ nhân ưu tú Đinh Văn Thức. Ông Thức chia sẻ: “Lúc nhỏ, khi được bố mẹ dẫn đi xem các buổi biểu diễn văn nghệ, tôi thấy rất hay nên xin các bài hát về nhà tự tập, rồi nghe qua đài phát thanh. Tôi tự thiết kế cây đàn Tính của riêng mình. Lúc đầu tôi nghĩ tập hát để vui thôi nhưng khi biểu diễn nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên của mọi người, tôi càng có động lực để tiếp tục luyện tập. Càng đi sâu vào tìm hiểu, tôi càng cảm nhận rõ những nét đẹp văn hóa của dân tộc, những giá trị tinh thần mà hát Then, đàn Tính mang lại”. Nghệ nhân Đinh Văn Thức không chỉ là “pho sách” về các bài Then cổ, ông còn là người đặt lời gần 30 bài hát Then gửi gắm lòng biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước đổi mới, tinh thần đoàn kết của bà con dân tộc bằng những từ ngữ bình dị, giản đơn, gần gũi. Ông Thức tổ chức các lớp truyền dạy hát Then, đàn tính và hát dân ca miễn phí cho gần 400 lượt người, trong đó, thành viên trẻ nhất là 6 tuổi, lớn nhất trên 60 tuổi. Tiếng hát Then vì thế ngày càng lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều thôn bản khác.
Một địa phương khác mà hát Then đã sống dậy mạnh mẽ là huyện Thạch An. Có mặt tại buổi thành lập Đội văn nghệ bảo tồn dân ca xã Đức Xuân (Thạch An), không ai không ấn tượng bởi phong trào văn nghệ ở nơi đây và cảm phục trước sức cuốn hút của hát Then, đàn tính đối với các thế hệ người dân. Đội văn nghệ bảo tồn dân ca của xã có 23 thành viên, trong đó thành viên lớn tuổi nhất đã trên 80 tuổi, ít nhất là 7 tuổi. Ngoài ra, tại buổi ra mắt nhiều người dù không phải là thành viên đội văn nghệ cũng tham gia giao lưu hát Then, đàn tính.
Bà Nông Thị Hoa, thôn Nà Pá, xã Đức Xuân cho biết: “Có một thời gian các làn điệu dân ca của dân tộc, nhất là hát Then, đàn tính bị quên lãng, tôi rất buồn, mấy năm nay khi phong trào văn hóa văn nghệ phát triển trở lại, tiếng Then, đàn tính lại ngân vang trên khắp bản làng. Chúng tôi tập hợp chị em biết hát Then để thành lập một nhóm cùng sinh hoạt, hát cho nhau nghe và tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ của huyện, xã. Sau một thời gian hoạt động, đến nay nhóm phát triển thành Đội văn nghệ bảo tồn dân ca của xã”.
Để động viên, cổ vũ những người đang gìn giữ hát Then, vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng tổ chức Liên hoan hát Then - đàn Tính tỉnh Cao Bằng lần thứ III 2022. Liên hoan đã quy tụ hơn 200 nghệ nhân, đến từ 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Các nghệ nhân, diễn viên quần chúng mang đến cho khán giả 40 tiết mục đầy bản sắc và độc đáo. Trong đó, có những nghệ nhân còn rất nhỏ tuổi, hay có gia đình 5 thành viên cùng tham gia Liên hoan. Điều đó cho thấy sức sống mạnh mẽ của hát Then ở vùng biên cương phía Bắc.