Là huyện nằm gần như bao quanh thành phố Cao Bằng, nhưng hạ tầng nông thôn của huyện Hòa An còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Địa phương này xác định việc xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ cấp bách, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Xã Trương Lương hiện nay được thành lập sau khi sáp nhập giữa 2 xã Công Chừng và Trương Lương (tên cũ) vào năm 2020. Xã có tổng diện tích gần 5.300 ha, 815 hộ gia đình và hơn 3.600 nhân khẩu. Trương Lương là một trong những xã nghèo của tỉnh Cao Bằng, hiện còn 8/9 xóm đặc biệt khó khăn, 380 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm hơn 40,6%) chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao. Diện tích rộng, địa hình bị chia cắt, dân cư sống rải rác, một số xóm ít đất canh tác, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh Cao Bằng phân bổ vốn cho xã Trương Lương là hơn 1,6 tỷ đồng; Năm 2022, xã được phân bổ 4,2 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cùng với hơn 1,44 tỷ đồng công trình xây dựng nông thôn mới (NTM) triển khai tại địa phương từ vốn sự nghiệp được phân bổ.
Ông Lãnh Hứa Hoàng, Chủ tịch UBND xã Trương Lương thông tin: Từ nguồn vốn này, Trương Lương thực hiện hỗ trợ xây nhà ở; đăng ký xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng và sửa chữa nhà văn hóa. Năm 2023, xã tiếp tục kêu gọi đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh và vận động nhân dân tham gia, nhằm có nguồn vốn đầu tư vào các hạng mục về hạ tầng cần thiết là đường giao thông, thủy lợi, điện chiếu sáng... Nhờ những nguồn vốn đó mà xã đã vơi bớt phần nào khó khăn.
Tuy vậy, đến nay xã Trương Lương cũng mới đạt 4/19 tiêu chí gồm: giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, quốc phòng và an ninh. Nên việc hoàn thiện các mục tiêu xây dựng xã theo Quy hoạch NTM giai đoạn 2022 - 2030 là mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Vì xã cần rất nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng là giao thông, thủy lợi… sớm về đích NTM.
Giống như Trương Lương, trên địa bàn huyện Hòa An có tới 10/14 xã rất khó khăn chỉ đạt từ 8 tiêu chí NTM trở xuống, cá biệt là xã Bạch Đằng đạt có 3 tiêu chí. Trong đó, nhóm tiêu chí Hạ tầng – Kinh tế - Xã hội do cần có kinh phí đầu tư lớn của Nhà nước và số tiêu chí về về môi trường, tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo… khó thực hiện.
Theo ông Đàm Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An, nguồn vốn được bố trí từ các chương trình MTQG đã góp phần không nhỏ hoàn thiện các tiêu chí NTM và NTM nâng cao, huyện NTM. Các nguồn vốn lồng ghép từ Chương trình Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi và Chương trình Giảm nghèo bền vững cũng góp phần lớn hoàn thiện các tiêu chí giao thông, thu nhập, giảm nghèo, lao động…
Là huyện nghèo, nên nội lực để Hòa An xây dựng NTM là rất khó, vì vậy rất cần Trung ương, tỉnh Cao Bằng và các sở ngành liên quan tiếp tục bố trí kinh phí, kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn để hỗ trợ cho đầu tư xây dựng NTM; củng cố, nâng cao các tiêu chí, nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập, đường giao thông nông thôn; tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp.