Kinh tế

Cao Bằng sẽ có thêm 70 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên trong năm 2023

Toán Nguyễn - Thành Vân 25/12/2023 11:04

Dự kiến sau đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 vào tháng 1/2024, tỉnh Cao Bằng sẽ có thêm 70 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên.

Theo ông Nguyễn Thái Hà – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, hiện nay các huyện, thành phố đang tiến hành tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, dự kiến trong tháng 01/2024 sẽ hoàn thành công tác đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP của năm 2023. Ước thực hiện trong năm 2023 có thêm 70 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên (59 sản phẩm đăng ký mới, 11 sản phẩm OCOP hết hạn tham gia đánh giá lại, 10 sản phẩm OCOP hết hạn xin không không tham gia đánh giá lại) đạt 196,6% kế hoạch năm 2023, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh là 146 sản phẩm.

Để có được kết quả trên, năm 2023 tỉnh Cao Bằng đã đầu tư là hơn 5,6 tỷ đồng cho phát triển OCOP, trong đó từ nguồn ngân sách Trung ương là hơn 5,13 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương là 490 triệu đồng.

W_21.jpg
Lạp sườn là sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay Cao Bằng đã tổ chức được 09 lớp tập huấn về chu trình OCOP với 583 lượt người tham gia. Ngoài việc nâng cao kiến thức cho các cán bộ phụ trách chương trình OCOP các huyện, xã, các chủ thể tham gia chương trình OCOP hiểu được vai trò, ý nghĩa của Chương trình, nắm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong thực hiện chương trình còn có thể hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất tham gia hiệu quả vào Chương trình OCOP để từ đó triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đồng bộ, hiệu quả.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh với nhiều hình thức phù hợp. Các cơ quan ngôn luận, thông tin trên địa bàn tỉnh tích cực đưa tin, bài, phóng sự về Chương trình OCOP được trên 300 tin, bài, phóng sự; Tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền về Chương trình OCOP trong Chương trình xây dựng nông thôn mới vào các hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, huyện, xã; Đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cũng theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Cao Bằng: Mặc dù đã đạt kết quả đáng khích lệ, nhưng Chương trình OCOP của tỉnh Cao Bằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Nguồn ngân sách tỉnh hạn hẹp, bộ máy thực hiện Chương trình OCOP tại cấp huyện, xã chủ yếu là cán bộ kiêm nghiệm, Bộ máy thực hiện Chương trình OCOP tại cấp tỉnh chỉ có 01 cán bộ chuyên trách, do vậy chất lượng triển khai các nội dung chương trình chưa được đảm bảo, hiệu quả chưa cao...

“Về công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm: Do tỉnh đang áp dụng cách thức chấm điểm trực tiếp bằng phiếu chấm điểm do vậy tiến độ chấm điểm các sản phẩm còn chậm, việc tìm kiếm tài liệu lưu trữ còn khó khăn do không có hệ thống để cập nhật”- Ông Nguyễn Thái Hà thông tin.

Sau 03 năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay toàn tỉnh Cao Bằng đã có 97 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao) của 67 chủ thể (22 HTX, 01 THT, 14 Doanh nghiệp, 30 hộ sản xuất kinh doanh).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cao Bằng sẽ có thêm 70 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên trong năm 2023

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO