Theo ông Hà Văn Di, Bí thư Huyện Cao Phong (Hòa Bình), để tạo thêm động lực thúc đẩy du lịch phát triển, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ.
Phấn đấu đón 300.000 lượt khách du lịch
Theo định hướng của Huyện ủy Cao Phong, năm 2023 là năm kiểm điểm, đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Vì thế, trong các giải pháp trọng tâm, huyện xác định ưu tiên huy động các nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt phát triển kinh tế gắn với du lịch theo đó trong năm 2023 huyện đặt ra mục tiêu đón được 300.000 lượt khách thăm quan du lịch, trong đó khách nội địa: 5.000 lượt khách; thu nhập từ du lịch đạt 190.000 tỷ đồng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Theo ông Hà Văn Di, Bí thư huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình, huyện đã và đang tập trung mọi nguồn lực để tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo bền vững qua các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp tại địa phương.
Với quyết tâm chính trị cao và triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển KT-XH quý I. Nổi bật là sự khởi sắc của hoạt động du lịch gắn với các chương trình lễ hội. Thống kê 3 tháng đầu năm, có khoảng 125.000 lượt khách du lịch đến huyện, tổng doanh thu ước đạt 70 tỷ đồng, tăng 14,84% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt để tạo thêm động lực thúc đẩy du lịch phát triển, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Trên địa bàn huyện đang triển khai một số dự án sử dụng NSNN với tổng kinh phí trên 400 tỷ đồng, trong đó, một số dự án trọng điểm về lĩnh vực văn hóa - du lịch như: dự án quy hoạch bản du lịch cộng đồng Giang Mỗ tại xã Bình Thanh; quy hoạch du lịch cộng đồng xóm Tiện tại xã Thung Nai; xây dựng khu Không gian bảo tồn di sản văn hóa mo Mường tại xã Hợp Phong; đường Bắc Phong - Thung Nai, đường thị trấn Cao Phong đi xã Hợp Phong, đường QH13, QH13B, QH13C, đường hạ tầng du lịch ven hồ Cạn Thượng, đường Thạch Yên đi Miền Đồi (Lạc Sơn)... Bên cạnh đó, có 8 dự án ngoài NSNN với tổng mức đăng ký đầu tư trên 800 tỷ đồng, nổi bật là các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại 2 xã Bình Thanh, Thung Nai thuộc vùng hồ Hòa Bình kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng, hứa hẹn tạo đột phá cho sự phát triển của du lịch Cao Phong.
“1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII xác định là thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; mục tiêu là phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với công nghiệp và du lịch, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện NTM...”, ông Hà Văn Di chia sẻ.
Cải thiện môi trường đầu tư
Với chủ trương phát triển du lịch theo định hướng gắn du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, di sản thiên nhiên, cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, huyện đã duy trì và từng bước phát triển, hình thành các tour, tuyến du lịch gồm: tuyến du lịch Bình Thanh - Thung Nai - lòng hồ sông Đà; tuyến du lịch Hợp Phong - Dũng Phong - Thạch Yên; tuyến du lịch thị trấn Cao Phong - Hợp Phong - Bắc Phong.
Trên cơ sở đó, huyện đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính và tiếp nhận, giải quyết các đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp du lịch; tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án du lịch, tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch của huyện và của địa phương; tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp… để phát triển những sản phẩm du lịch quy mô lớn và vừa, chất lượng cao. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, bến cảng, hạ tầng viễn thông, khu xử lý rác thải, nhà vệ sinh công cộng...
Đồng thời, định hướng xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái gắn với các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao, di tích lịch sử - văn hóa, khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh tạo thành các tour, tuyến du lịch đa dạng, hấp dẫn để thu hút khách du lịch.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã thu hút được 9 dự án đầu tư phát triển du lịch, trong đó có 2 dự án đã đi vào hoạt động là: Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xóm Tiềng, xã Bắc Phong đầu tư từ năm 2007, tổng kinh phí đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, diện tích hơn 30 ha; khu du lịch văn hóa, tâm linh tại quần thể hang động núi Đầu Rồng, khu 3, thị trấn Cao Phong đầu tư từ năm 2014, tổng kinh phí đã đầu tư 143 tỷ đồng. Ngoài ra có một số dự án đã được cấp phép đầu tư là: Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thanh tại xã Bình Thanh của Công ty CP Mora Group, diện tích quy hoạch 13 ha, tổng vốn đầu tư 182,4 tỷ đồng; khu du lịch Parahills Hòa Bình tại xã Bình Thanh, Thung Nai của Công ty CP Beru Group có diện tích quy hoạch 6,75 ha, tổng số vốn đầu tư 149,361 tỷ đồng; khu du lịch sinh thái Thung Nai Peninsula resort tại xã Bình Thanh, Thung Nai của Công ty CP đầu tư quốc tế Quang Minh có diện tích quy hoạch 117 ha, tổng vốn đầu tư 318,104 tỷ đồng…
Để huyện Cao Phong trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài huyện ông Hà Văn Di Bí thư huyện ủy cho biết, sẽ phát huy có hiệu quả vai trò của tổ chức Hội, huy động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện tích cực tham gia các hoạt động đầu tư phát triển du lịch. Phối hợp tốt với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động du lịch, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia các chương trình liên kết hợp tác, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư, xây dựng sản phẩm và đào tạo phát triển nguồn nhận lực du lịch.