Kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, tại tỉnh Thanh Hóa có một cặp chị em song sinh đạt số điểm rất cao, cùng lọt top 10 chuyên Hóa, trường THPT chuyên Lam Sơn. Phía sau câu chuyện đó, là cả một tuổi thơ vất vả khiến hai chị em có những suy nghĩ chín chắn trước tuổi, và đến bây giờ, nó là sự lo âu của người mẹ khi sẽ phải là đôi vai ‘gồng gánh’ thêm nhiều khoản chi phí học tập của các con.
Chị top 2, em top 8 lớp chuyên Hóa
Căn nhà nhỏ nằm ngay giữa ngã 3 đường Nguyễn Hữu Cảnh giao với đường Trần Huy Quang (thuộc phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) những ngày này rộn ràng tiếng cười, tiếng chung vui của bà con lối xóm đối với cặp chị em song sinh Ngô Thảo Phương và Ngô Thảo Liên (cùng 15 tuổi).
Trong kì thi vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn vừa qua, Thảo Phương đạt tổng điểm 40,7 (tổ hợp 4 môn Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh, Hóa), đứng 2 lớp chuyên Hóa, chỉ sau người đứng đầu 0,75 điểm. Còn người em Thảo Liên cũng xuất sắc đạt được 38,55 điểm, xếp thứ 8 lớp chuyên Hóa.
Chia sẻ về phương pháp học tập để đạt kết quả tốt, cả Phương và Liên đều cho rằng nên học tốt kiến thức ở trường và chăm chú lắng nghe tại các lớp học thêm của thầy cô giáo. “Ở trên lớp, đoạn nào không hiểu là em và Liên sẽ giơ tay hỏi thầy cô ngay. Với môn Hóa, 2 đứa em được tiếp cận vào lớp 8, nó mới và rất cuốn hút. Vì thế, 2 chị em cũng không biết đã thích nó từ bao giờ”, Thảo Phương cười nói.
9 năm đồng hành cùng nhau qua từng cấp học, từng lớp học, cả Phương và Liên đều vì nhau mà cố gắng học tập để đạt được thành tích cao. Ở lớp, hai chị em là bạn, còn về nhà, Phương lại là người chị, chỉ bảo cho em từng chút khi gặp những bài tập khó.
Chị Lê Thị Hà (39 tuổi, mẹ của hai em) cho biết, đối với Thảo Phương, em là một cô gái đầy nghị lực và cá tính. Từ khi sinh ra, hai chị em đã ít được trò chuyện với bố, do bố là một lái xe, thường xuyên đi sớm về muộn, ít có thời gian bầu bạn, tâm sự cùng con gái. Còn mẹ em, là một công nhân giày da, ngày đi làm 8 tiếng, tăng ca triền miền, thời gian nghỉ trưa lại phải ở lại công ty, nơi cách nhà cả chục cây số.
Hiểu chuyện, Phương biết mình phải thay mẹ chăm lo, bảo ban cho em học những lúc vắng nhà. Từ khi vào cấp 2, Phương đã tự biết nấu cơm, giặt giũ, vệ sinh nhà cửa. Thời gian rảnh, em lấy sách ra học, đồng thời chỉ bảo cho em gái.
Trong hai năm lớp 8 và lớp 9, hai chị em đã có ít nhất 4 giải nhất, nhì học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh về môn Hóa. Đặc biệt là đối với 2 giải nhất, nhì cấp tỉnh, lĩnh thưởng được tổng cộng 7,4 triệu, hai chị em đã đưa cho mẹ hết, không giữ lại một đồng nào.
“Còn nhớ ngày được nhận bằng khen và tiền thưởng, hai đứa gói gém lại trong một phong bì rồi lúi húi đưa cho mẹ. Chị lớn bảo, đây là số tiền hai chị em có, mẹ hãy cất đi để dùng cho sinh hoạt trong gia đình. Thấy bố mẹ đi làm cả ngày, Phương bảo muốn đóng góp chút ít. Nó mong muốn gia đình sẽ có nhiều phút giây ở bên nhau, được đi chơi, quay quần nhiều hơn cùng nhau. Là người mẹ, đôi lúc nghĩ cũng thấy tủi thân cho hai đứa vì chị và anh nhà đi suốt, không chăm lo được từng chút một. Nhưng cũng may, hai chị em đều hiểu chuyện, chăm học và thông cảm cho ba mẹ”, chị Hà thuật lại câu chuyện trong sự nghẹn ngào.
Bố ra đi, để lại đôi gánh trĩu nặng cho người mẹ
Dù đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày anh mất nhưng mỗi lần nhìn di ảnh và bàn thờ của chồng được đặt giữa nhà, chị Hà lại như có một niềm tin rằng anh vẫn đang dõi theo từng bước đi, từng chặng đường gian nan, vất vả của 4 mẹ con.
Ngược câu chuyện về ngày 10/10/2020, khi đó, anh Ngô Xuân Tuấn (bố hai em) bị ốm và có dấu hiệu mất sức. Đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chị Hà và anh chết lặng khi nghe tin anh có một chấm đen ở phổi, nghi bị ung thư. Để xác minh, ngày 13/10, anh ra Hà Nội khám lại, và được khẳng định bị ung thư giai đoạn 3.
Trong khi người vợ muốn dốc hết vốn liếng để chạy chữa cho chồng thì anh Tuấn lại tin mình sẽ vượt qua được. Vì vậy, anh nói với vợ đem hết tiền tích góp bao năm để xây lấy một ngôi nhà 2 tầng trên khoảng đất 50m2 mà ông bà nội cho. “Lúc đó, anh bảo nhất quyết phải xây nhà, vì hai vợ chồng với 3 đứa con (năm 2018, chị Hà sinh thêm được một bé trai) đã ở thuê suốt gần chục năm rồi. Và vì Phương và Liên chỉ còn hơn 1 năm nữa là thi cấp 3, nên anh ấy cũng muốn có một chốn tử tế để các con học tập”, chị Hà nhớ lại.
Trong gần 1 năm xây nhà, sức khỏe của anh Tuấn yếu dần, và đến ngày 18/6/2021, anh mất tại bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa sau hơn nửa năm điều trị. Ngày bố mất, hai chị em không kịp nhìn mặt lần cuối vì quá đột ngột, xen lẫn với khi đó phải gấp rút ôn thi HGS cấp tỉnh vì ngày thi đã tới quá gần. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, anh Tuấn vẫn tự trách mình rằng không cố gắng được thêm 2 ngày nữa để con có tâm trạng thoải mái đi thi.
Dù đau lòng, suy sụp về tinh thần nhưng 2 chị em vẫn bảo ban nhau cố gắng, và kỳ tích đã xảy ra, vượt qua tất cả khó khăn, hai chị em đã đạt giải nhất và nhì HSG cấp tỉnh môn Hóa khi đó.
Ngày hôm nay, khi cả 2 con đều đỗ được vào trường chuyên, chị Hà hiểu anh ở nơi chín suối đang rất vui mừng. Nhưng thực tại, có một nỗi lo khác là chuyện cơm áo gạo tiền, chi phí sinh hoạt và học phí trong 3 năm tới của các em.
Trước khi anh mất, với mức lương từ 7 – 8 triệu/tháng, anh đóng góp thu nhập chính trong nhà. Chị, là một công nhân dày da, thu về mỗi tháng chỉ gần 6 triệu, hiện rất khó để lo cho 3 đứa con.
Khó là vậy, nhưng từ sâu trong ánh mắt của người mẹ, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự quyết tâm, sự kiên định bằng mọi giá phải lo cho 2 chị em học xong cấp 3, và có thể phải tiến tới học tiếp lên đại học. “Giờ chị tăng ca nhiều hơn, nên mỗi tháng cũng được thêm một triệu nữa, như vậy là có được khoảng 7 triệu để 4 mẹ con sinh hoạt. Giờ ăn tiêu chắt bóp, đến đâu hay đến đó, chị nghĩ, khó rồi cũng có cách thôi. Còn chuyện học hành của con, đó là ưu tiên hàng đầu, dù có nhịn ăn nhịn uống cũng phải lo được việc đó đàng hoàng”, chị Hà khẳng định.
Nghe mẹ nói, Thảo Phương và Thảo Liên cũng đều đồng thanh đáp rằng, sẽ cố gắng học tập nhiều hơn nữa để mỗi kỳ, ‘rinh’ được khoản học bổng trị giá vài triệu đồng của trường.
Trước khi chia tay, Thảo Phương kể thêm về nguyện vọng muốn thi vào Đại học Y Hà Nội sau 3 năm nữa. Phương bảo, lý do nhiều nhất là muốn làm bác sỹ để cứu những người bị ung thư như bố.