Cấp thuốc và phao cứu sinh cho y tế các địa phương vùng lũ

Thanh Hà 22/10/2017 06:50

Nhằm giúp các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ vừa qua, Bộ Y tế đã cấp nhiều cơ số thuốc và phao cứu sinh cho y tế một số địa phương trong vùng ảnh hưởng lũ lụt khắc phục vụ hậu quả và triển khai tiếp công tác phòng chống lụt bão.


Trẻ em vùng lũ. Ảnh: Báo Tây Ninh.

Cụ thể, Bộ Y tế cấp 250.000 viên khử khuẩn Cloramin B, 50 cơ số thuốc phòng chống bão lụt, 20 bộ dụng cụ phòng chống lụt bão, 200 phao tròn cứu sinh và 200 áo phao cứu sinh cho tỉnh Hòa Bình; cấp 250.000 viên khử khuẩn Cloramin B, 100 phao tròn cứu sinh và 100 áo phao cứu sinh cho tỉnh Yên Bái; 250.000 viên khử khuẩn Cloramin B; 250.000 viên khử khuẩn Cloramin B; 50 cơ số thuốc phòng chống bão lụt; 100 phao tròn cứu sinh và 100 áo phao cứu sinh cho tỉnh Thanh Hóa...

Trước đó, thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đã yêu cầu Tổng công ty cổ phần y tế Danameco; Công ty TNHH Nam Thăng Long và Công ty cổ phần Dược Trung ương 3 cấp hỗ trợ sở y tế các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Quảng Bình mỗi tỉnh 30 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 200.000 viên hóa chất khử khuẩn cloramin B, 20 bộ dụng cụ phòng chống lụt bão, 100 áo phao cứu sinh và một số tỉnh được hỗ trợ thêm phao tròn cứu sinh.

Đồng thời, để chia sẻ với các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Công đoàn cơ quan Bộ Y tế đã chuyển tới Sở Y tế năm tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An và Thanh Hóa mỗi tỉnh 50 triệu đồng để hỗ trợ các cán bộ y tế tham gia cấp cứu nạn nhân, cán bộ y tế bị thiệt hại nặng nề do bão lũ hoặc trang bị khẩn cấp điều kiện làm việc cho các cơ sở y tế bị thiệt hại.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đã kiểm tra công tác ứng phó và khắc phục thiên tai tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình và thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Tại đây, thứ trưởng Tuấn giao Cục Quản lý Môi trường y tế, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, tiêu độc, khử trùng và công tác vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh; đồng thời chú ý các biện pháp tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm.

Thời gian qua, Sở Y tế các địa phương cũng nỗ lực tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo của ngành y tế; đồng thời, triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau lũ và ngập lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Ngành y tế cũng tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt; duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới; tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm khi cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp thuốc và phao cứu sinh cho y tế các địa phương vùng lũ