Công an tỉnh Quảng Bình đã triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi với mức lãi suất lên tới 365%/năm (tương đương với 1%/ngày). Các đối tượng trong đường dây này đến từ nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Điều tra của cơ quan công an xác định, từ năm 2019 đến nay, nhóm này đã cho hơn 200 nạn nhân vay với mức lãi suất khủng khiếp: 365%/năm.
Đây không phải là đường dây cho vay nặng lãi duy nhất trên toàn quốc bị phát hiện, cũng không phải là lần đầu tiên Công an tỉnh Quảng Bình triệt phá một ổ nhóm cho vay nặng lãi với cái giá “cắt cổ”. Song, lãi suất “cắt cổ” lên tới 365%/năm thì đúng là không nhiều. Trước đó, mới có hai vụ án mà các đối tượng cho vay với lãi suất lên tới 365%/năm từng bị Công an Vũng Tàu và Công an Quảng Ninh triệt phá.
Thử hình dung, với mức lãi suất trên thì chỉ hơn 3 tháng (100 ngày) là người vay đã phải trả gấp đôi số tiền nhận được. Ví dụ, vay 1 triệu đồng thì sau 100 ngày số tiền cả gốc và lãi sẽ là 2 triệu đồng, vay 2 triệu đồng sẽ thành 4 triệu đồng, nếu là 100 triệu đồng sẽ thành 200 triệu đồng và nếu là 1 tỷ thì sau ngần ấy thời gian sẽ thành 2 tỷ đồng. Đó là còn chưa kể nếu chậm trả lãi sẽ bị “lãi mẹ đẻ lãi con”, số tiền nợ sẽ còn cao hơn nhiều.
Đó là lý do mà nhiều người lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất ngập đầu, mất nhà mất cửa, gia đình tan nát, bán xứ tha hương. Trong số các nạn nhân của nạn tín dụng đen này, đa phần là dân nghèo, cũng có cả chủ doanh nghiệp nhưng không nhiều. Chủ một số doanh nghiệp do cần gấp vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nên đành tìm tới tín dụng đen.
Sẽ có người đặt dấu hỏi, vì sao các doanh nhân lại không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi có cả một doanh nghiệp trong tay để thế chấp, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang ưu tiên cho vay vốn để khắc phục hậu quả của Covid-19? Vâng, đó chính là nghịch lý. Dù Chính phủ đã có chủ trương và dành hàng chục nghìn tỷ đồng để cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tiếp cận, nhưng mọi sự đâu có dễ thế.
Tại buổi đối thoại với chính quyền ở một số tỉnh, thành phố, bộ, ngành, một số doanh nghiệp than rằng dù họ có cả một đội tàu du lịch trị giá tới gần 200 tỷ đồng, nhưng lại không thể thế chấp để vay dù chỉ là 10 tỷ đồng. Lúc doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt, chưa có đại dịch Covid-19 thì các ngân hàng săn đón, mời chào cho vay dù không có nhu cầu. Song, đến “thời covi” thì ngược lại, muốn vay cũng không được.
Vậy thì với nhu cầu vốn để tồn tại, trụ vững và phát triển mà lại không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng biết phải làm sao đây? Chỉ có một giải pháp duy nhất, đó là tìm tới những cá nhân, tổ chức tín dụng “không chính thống”, muốn vay bao nhiêu cũng được, miễn là chịu được... “nhiệt”. Mà khi đã vay vốn với lãi suất “cắt cổ” thì kinh doanh gì cho lại được tiền lãi cao đến như vậy, dù chỉ việc móc đất đi bán cũng không trụ được.
Doanh nghiệp có khả năng thanh khoản bởi có tài sản, có cơ hội kinh doanh mà còn “chết” với loại tín dụng đen lãi suất cao như vậy, huống hồ là dân nghèo. Đơn giản là đến kỳ đóng tiền điện, tiền nước, học phí cho con... lấy gì ra để trang trải? Hay cha mẹ già ốm đau nằm viện, nhất là lại mắc những chứng bệnh kinh niên, nan y khó chữa lại càng tốn kém, biết “nhòm” vào đâu? Có cách nào khác hơn là đi vay nặng lãi?
Đến như doanh nghiệp có tài sản thế chấp mà còn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng thì người dân nghèo ngoài sức lao động và công cụ lao động là chiếc xe máy nát, là chiếc xích lô rách... lấy gì để ngân hàng tin tưởng cho vay vốn? Họa chăng có được các tổ chức đoàn thể bảo lãnh vay tín chấp thì thủ tục cũng hết sức rườm rà, nhiêu khê, không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu thực tế. Vì thế, chỉ có thể đi gặp xã hội đen mới có tiền.
Mà đã nghèo đến mức không có tiền chi trả viện phí, tiền điện, nước... phải đi “vay nóng” của các đối tượng cho vay nặng lãi, thì lấy đâu ra nguồn để mà trả lãi, nói gì đến gốc. Và chậm trả lãi đồng nghĩa với việc khoản nợ sẽ “sinh sôi nảy nở” rất nhanh trong một thời gian ngắn. Từ đó dẫn tới phải cầm cố nhà cửa, ruộng vườn, nói chung là tất cả những gì được gọi là tài sản để trả nợ, nếu không sẽ không yên với chúng.
Lẽ dĩ nhiên là có cầu ắt sẽ có cung. Khi mà còn có doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay vốn tín dụng đen thì vẫn phát sinh loại tội phạm cho vay nặng lãi với mức “cắt cổ”. Dù cơ quan bảo vệ pháp luật có tận tâm đến đâu cũng không thể xóa hẳn vấn nạn này. Bài toán chỉ có thể giải quyết được khi mà người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng và các tổ chức tín dụng một cách dễ dàng hơn.