Nghị quyết 128/NQ-CP với kỳ vọng “cởi trói”, được toàn xã hội hưởng ứng chính vì thế nó cần phải được thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong tất cả các địa phương cả nước.
Ngày 13/10, trong cuộc tiếp xúc trực tuyến với cử tri Cần Thơ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều cử tri cho biết, dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng, đời sống người dân rất khó khăn, sản xuất bị đình đốn, nhưng người dân sẵn sàng hy sinh, chấp hành để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, khi dịch được kiểm soát thì việc lưu thông vẫn không thuận tiện.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội phản hồi những ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tinh thần chung, xuyên suốt là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý thống nhất từ Trung ương tới địa phương, không được cát cứ, không được ban hành những gì trái với Trung ương.
Để thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã nhanh chóng ban hành hướng dẫn 4 cấp độ dịch. Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ: Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.
Như vậy là mọi sự đã rất rõ ràng, nhưng đáng tiếc là một số địa phương (trong đó có cả địa phương nhiều ngày qua không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng) vẫn áp dụng những biện pháp kiểm soát cứng rắn.
Điều đáng nói là sau khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ thì vẫn có địa phương quy định người dân đến từ khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Ngoài ra, phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ. Khi lưu trú tại địa phương, phải thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 2 và ngày thứ 7. Đối với người đến từ khu vực có nguy cơ và bình thường mới cũng cần có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ; tự theo dõi sức khỏe 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7.
Lãnh đạo địa phương còn giao các quận, huyện thành lập chốt kiểm soát phòng chống dịch tại bến xe để kiểm tra chặt chẽ đối với người và phương tiện đến bến xe, thực hiện sàng lọc, phân loại những người trên các chuyến xe đến địa phương mình. Toàn bộ chi phí vận chuyển hành khách về các địa phương, xét nghiệm và các chi phí liên quan khác do người dân tự chi trả.
Cảnh giác, chủ động phòng chống dịch bệnh là tốt, nhưng cũng không thể vì thế mà làm trái với chỉ đạo của Chính phủ. Đó cũng chính là tình trạng cát cứ, “trên bảo dưới không nghe” cần sớm chấm dứt. Không thể chỉ vì lo cho địa phương mình mà cản trở công việc chung của quốc gia, làm khó cho doanh nghiệp và người dân.
Đã mấy ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 nhưng khách đi ô tô liên tỉnh rất ít. Điều đó có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là người dân không biết các địa phương, kể cả địa phương nơi mình đến có những quy định gì, trong đó nổi lên việc xét nghiệm bắt buộc và cách ly. Mở cửa để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội nhưng lưu thông vẫn ách tắc thì không có tác dụng.
Nghị quyết 128/NQ-CP với kỳ vọng “cởi trói”, được toàn xã hội hưởng ứng chính vì thế nó cần phải được thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong tất cả các địa phương cả nước. Người dân cho rằng với những địa phương vì lợi ích cục bộ, vì “sợ” dịch mà chính quyền tiếp tục đưa ra những quy định “cát cứ”, “ngăn sông cấm chợ”, thì phải bị xử lý. Nhiều tháng qua, doanh nghiệp cũng như người dân đã chấp nhận rất nhiều hạn chế để thực hiện phòng, chống Covid-19. Nay, dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát, tình trạng “cát cứ” phải được loại bỏ để mở cửa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.