Qua đèo vượt dốc đến với Bản Phùng (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) - nơi có những ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam. Cuối tháng 9, cả nơi này được phủ lên một màu vàng rực rỡ và phảng phất trong làn gió se lạnh hương thơm của lúa chín...
Từ thành phố Hà Giang, mất chừng 3 giờ để đến thị trấn Vinh Quang - thủ phủ của huyện Hoàng Su Phì. Từ đây, chạy xe thêm 30 km nữa mới đến được xã Bản Phùng.
Con đường từ Vinh Quang lên Bản Phùng mềm mại và uốn lượn như dải lụa nhưng độ cheo leo hiểm hóc thì khỏi bàn. Với một bên vách núi, một bên là vực sâu thẳm khiến người lái xe phải tập trung cao độ, bù lại du khách có thể hướng tầm mắt ra trùng trùng điệp điệp những thửa ruộng bậc thang đẹp như mơ.
Cũng có nhiều đoạn đường zích zắc, gồ ghề khó đi, đoạn hẹp chỉ đủ chiếc xe 7 chỗ lọt qua... đường lên Bản Phùng không dành cho những người yếu tim.
Có lẽ giao thông chưa phát triển nên Bản Phùng duyên dáng nép bên sườn núi vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ của vùng đất ít người đặt chân tới. Những mái nhà điểm xuyết giữa các tầng ruộng bậc thang pha phách đủ sắc màu, tạo nên bức tranh mùa màng ấm no, thanh bình, nhưng mang dáng vẻ phiêu lãng bởi những đám mây buông hững hờ.
Mây ở Bản Phùng không dày đặc như ở Mù Cang Chải hay Tà Xùa mà giăng mắc đầy chất thơ. Bản Phùng cũng không có thung lũng rộng như Mường Hoa của Sa Pa, mà ruộng bậc thang ở đây nằm cheo leo trên sườn dốc đứng - liên quan tới tập tính sinh hoạt của cư dân La Chí từ khoảng 800 năm trước.
Mấy năm trở lại đây, dịch vụ du lịch cộng đồng homestay phát triển mạnh mẽ ở Hoàng Su Phì cũng như ở Bản Phùng. Kinh doanh loại hình du lịch này đã từng bước góp phần giảm nghèo cho người dân và bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp du lịch phát triển bền vững. Như Chí Tài homestay có 3 cơ sở khá gần nhau. Trong đó, Chí Tài 3 là một trong những homestay có tầm nhìn thẳng xuống thung lũng bậc thang đẹp nhất ở đây.
Địa chỉ lưu trú này được nhiều nhiếp ảnh gia chọn nghỉ lại để tiện săn ảnh. Chi phí cũng hợp lý với bữa tối, bữa sáng và ngủ đêm tại homestay dao động khoảng từ 300.000 - 350.000 đồng một khách. Sáng sớm du khách có thể ngồi ở ban công chung ngắm lúa, săn mây và thưởng thức ly cà phê hoặc bữa sáng. Và tận hưởng cảm giác cả bản làng đang bồng bềnh trôi trong một biển mây là trải nghiệm thật tuyệt vời.
Du khách có cơ hội ngắm ngọn núi cao sừng sững trước mặt được “quy hoạch” thành những thửa ruộng bậc thang ôm tới đỉnh ken chặt lúa chín, để trầm trồ trước sự kiên trì khai khẩn và làm ruộng bậc thang, trồng lúa nước của người La Chí.
Bản Phùng cũng khiến cho những người ưa sống chậm nhớ về một không gian của SaPa cách đây hơn 20 năm để mà tiếc nuối, giá mà SaPa không phát triển “nóng”. Nếu SaPa chọn hình thức homestay thì cả thị xã không quá ngột ngạt và nhuốm màu phố xá như bây giờ...
Trở lại câu chuyện ở Bản Phùng, ông chủ Chí Tài homestay tên Hiếu luôn nở nụ cười trên môi, cộng thêm tài nấu ăn ngon, đặc biệt anh Hiếu còn ghi điểm với du khách bởi sự hiểu biết về những giá trị văn hoá lịch sử của Bản Phùng. Bên mâm cơm cùng vợ chồng chủ nhà và 3 con nhỏ, du khách được nghe câu chuyện về sự xuất hiện của tộc người La Chí. Cả xã Bản Phùng này 100% dân cư là người La Chí.
Người La Chí di cư từ Trung Quốc sang định cư tại đây đã khoảng 800 năm. Hai họ chính là họ Vương và họ Long. Phong tục tập quán của người La Chí ở Hoàng Su Phì vẫn còn giữ được, song ngôn ngữ đã bị lai tạp nhiều, tiếng nói chủ yếu là tiếng Nùng, còn nhóm La Chí vẫn giữ được tiếng bản ngữ thì hiện chỉ có ở Bản Phùng.
Hay với riêng di sản ruộng bậc thang - hình thức canh tác độc đáo, theo lời anh Hiếu kể, do không có đất canh tác, đồng bào các dân tộc đã chọn các sườn đồi, núi có đất màu, cuốc, ủi thành các tầng bậc để giữ nước và trồng lúa. Những thửa ruộng bậc thang với rất nhiều tầng, bậc được hình thành từ bàn tay khai phá của nhiều thế hệ và phải mất hàng trăm năm.
Rồi cũng từ phương thức canh tác lúa độc đáo đã sản sinh ra nhiều tín ngưỡng văn hóa nông nghiệp của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì: Tết Khu cù tê của dân tộc La Chí, Lễ hội Nhảy lửa, Cầu mùa của dân tộc Dao, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Lễ cúng cơm mới của dân tộc Nùng. Lễ xin giống, đóng cửa kho của dân tộc La Chí… vẫn đang được tiếp nối.
Những ngày ở Bản Phùng, du khách có thế thấy Phụ nữ ở La Chí không khi nào mặc trang phục của dân tộc khác mà tự tay dệt quần áo của mình. Với người La Chí, việc thêu thùa và may vá là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự khéo léo và chăm chỉ của người phụ nữ. Con trai La Chí khi chọn vợ cũng thường để ý những những cô gái giỏi việc khâu vá.
Trang phục của người La Chí đơn giản, không cầu kỳ, tất cả đều nhuộm màu chàm. Đàn ông mặc áo 5 thân dài tới ngang bắp chân, quần lá tọa, đầu quấn khăn. Dân tộc La Chí có nhiều truyện cổ, kể về tổ tiên của dân tộc là Hoàng Dìn Thùng, Pủ Lô Tô sinh ra các giống, các loài và dạy họ mọi phong tục tập quán cũng như giải thích sự xuất hiện các hiện tượng tự nhiên ... Bởi thế, đến Bản Phùng du khách được chạm vào một vùng đất đậm đặc văn hoá bản địa.
Hiểu được tiềm năng cũng như lợi thế sẵn có, huyện Hoàng Su Phì đang phối hợp với Dự án HELVETAS xây dựng quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2021 và định hướng 2030. Bên cạnh gìn giữ văn hóa bản địa, huyện đang xây dựng các tour đưa du khách qua những tuyến đường lên đỉnh Chiêu Lầu Thi, Túng Sán hay những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài khắp các dãy núi. Trải nghiệm đời sống lao động, sản xuất cũng như các hoạt động văn hóa giàu bản sắc của người dân các xã: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên như: gặt lúa, bắt cá ruộng, hái chè…
Là người trực tiếp lăn lộn với người dân trong gìn giữ bản sắc văn hoá để thu hút khách du lịch, ông Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: Du lịch cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo cho nhiều cộng đồng dân cư, nhất là cộng đồng ở những vùng sâu, vùng xa. Đến nay, đã có 7 làng văn hóa du lịch cộng đồng được huyện phê duyệt, 14 hộ được hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở, mua sắm vật dụng để kinh doanh dịch vụ homestay với tổng kinh phí 840 triệu đồng... Trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì có hơn 50 mô hình do thanh niên làm chủ, trong đó, khoảng hơn 25 mô hình hoạt động tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 80 - 120 triệu đồng/năm.
Đồng hành với người dân trong thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì đã từng bước đa dạng các sản phẩm du lịch, dịch vụ, đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ để hướng tới một ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững.
Việc gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang tạo đà cho sự phát triển ổn định, hiệu quả trong lĩnh vực du lịch của Hoàng Su Phì. Thống kê từ năm 2010 đến nay, lượng khách đến với huyện Hoàng Su Phì tăng bình quân 25%/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Và chính từ lối sống dựa vào thiên nhiên, bảo vệ các giá trị văn hoá cũng như môi trường của các dân tộc Hoàng Su Phì đã tạo sức hấp dẫn du khách đến với nơi được ví như “nấc thang lên trời” hay “thiên đường nơi hạ giới”.
Năm 2012, ruộng bậc thang tại 6 xã của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận Di tích Quốc gia. Đến năm 2017, có thêm 5 xã được bổ sung vào danh sách ruộng bậc thang nằm trong vùng di sản. Đến nay, toàn huyện có 2.196,4 ha ruộng bậc thang trong vùng di sản được bảo vệ. Đó là những xã có danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tiêu biểu, được xếp vào loại đẹp nhất Việt Nam với lịch sử trên dưới 300 năm, do đồng bào các dân tộc La Chí, Dao, Tày, Nùng… tạo nên bằng bàn tay lao động cần cù và óc sáng tạo.