Câu chuyện 'có, không' và nút thắt

Nhóm PV 01/05/2023 07:43

Theo TS Trần Hữu Hiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ), đối với ĐBSCL “2 có” là: Có chủ trương, chính sách, định hướng phát triển và có quy hoạch tích hợp vùng. “3 không” là không có chủ thể rõ ràng, không có nguồn lực hay cụ thể là ngân sách cho vùng và không có lực lượng chuyên ngành để thực thi quy hoạch vùng.

TS Trần Hữu Hiệp.

Ông Hiệp cũng nói về 3 nút thắt ở ĐBSCL, tuy đã được nhận diện nhưng vẫn chưa tháo gỡ được. Nút thắt đầu tiên là kết cấu hạ tầng, đây cũng chính là vấn đề quan trọng nhất cản trở sự phát triển của vùng. Vì vậy, thay vì mỗi tỉnh, thành đề xuất xây dựng sân bay, cảng nước sâu cho riêng địa phương mình thì 13 tỉnh trong vùng nên đồng lòng đề xuất Trung ương xây dựng hệ thống giao thông thông suốt, đồng bộ và chất lượng. Mặt khác, đề xuất phát triển đường cao tốc nối liền từ TP HCM đến tận Cà Mau và xem đây là chiến lược hàng đầu của vùng trong thời gian tới.

Nút thắt thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực, đây là yếu tố quyết định mức sống và trình độ phát triển dài hạn của mỗi cá nhân, của từng địa phương và của quốc gia. Lâu nay ĐBSCL là vùng trũng trong cả nước về giáo dục, do đó, phải tháo gỡ nút thắt quan trọng này bằng chính sách tạo động cơ đi học, khắc phục tư duy ngắn hạn, đeo đuổi lợi ích trước mắt... Suy cho cùng, động cơ này chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tạo lập cơ hội việc làm.

Nút thắt thứ ba chính là cơ chế, chính sách, trong đó quan trọng nhất là cơ chế, chính sách về đất, nước và cơ chế điều phối vùng. Cụ thể, về chính sách đất đai, cần được thiết kế lại theo hướng tạo thị trường đất linh hoạt hơn. Cùng đó là tăng khả năng chuyển dịch đất nông nghiệp trong phạm vi các lĩnh vực và đối tượng sản xuất nông nghiệp sao cho đất nông nghiệp có thể sử dụng hiệu quả nhất. Về nước, phải xem tất cả nguồn nước như: nước mặn, nước ngọt, nước lợ, nước mặt, nước ngầm... là tài nguyên quý báu để có chính sách quản lý, sử dụng và bảo vệ một cách phù hợp hơn.

GS Võ Tòng Xuân.

Còn theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, việc sản xuất lúa ở ĐBSCL rất hệ trọng. Trong khi phân bón và thuốc trừ sâu và chi phí nhân công trong sản xuất lúa gạo hiện nay rất cao, nếu tính chi phí giá thành sản xuất bình quân của Bộ Tài chính chỉ hơn 3.200 đồng/kg. Nếu cộng trừ đơn giản thôi, giá phân bón, thuốc trừ sâu đang cao như hiện nay thì giá bán thóc cũng chiếm gần hết giá này.

Đấy là chưa kể tiền vay ngân hàng cũng phải trả lãi, với mức giá được tính 3.219 đồng/kg thì, không biết đã đưa hết những chi phí mà người nông dân bỏ ra hay chưa?

“Tôi thấy chưa đúng và chưa sát với tình hình sản xuất hiện nay. Giá lúa luôn phải cao hơn giá thành sản xuất, đó là nguyên tắc. Giá thành sản xuất phải tính cho đầy đủ chi phí và công lao động vào giá thành. Người nông dân tạo ra hạt gạo, một nắng hai sương và không nhiều người giàu lên bằng hạt gạo. Đa số người dân chỉ trồng lúa ở mức đủ ăn, chu cấp cho gia đình và bán đi phần còn thừa để trang trải cuộc sống” - GS Xuân nói và cho rằng phải làm sao để người nông dân được lãi nhiều hơn trong chuỗi giá trị hạt gạo. Lúc này là lúc phải tính kinh tế cho người nông dân, đừng để họ mãi chịu thiệt, phải tuân thủ kinh tế thị trường… cung nhiều, cầu ít thì giá rớt, còn cung ít hoặc vẫn vậy, mà cầu nhiều quá thì giá cao.

Từ đó, GS Xuân cho rằng cần tổ chức lại diện tích đất lúa theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì sản lượng. Đây được xem là sứ mệnh cây lúa Việt Nam trong thời kỳ mới.

PGS Lê Anh Tuấn.

Trong khi đó, PGS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ thì cho rằng nếu xem châu thổ sông Cửu Long là một cơ thể sống thì cát là khung xương cho cơ thể ấy, các dòng sông, rạch là các mạch máu lớn nhỏ, đất đai và thực vật là da thịt, tóc tai, các vùng đất ngập nước, nhịp dòng chảy ra vào là các bộ phận nội tạng để nuôi sống dung mạo, các hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học, đặc điểm văn minh sông nước chính là linh hồn và di sản của châu thổ.

Theo ông Tuấn, các chuyên gia đã cảnh báo nếu tất cả kế hoạch xây dựng thuỷ điện trên dòng chính và dòng nhánh Mekong được thực hiện thì tổng lượng phù sa, bùn cát về ĐBSCL chỉ còn 20% so với trước. Trong khi đó sự phát triển đô thị hoá và giao thông nhanh chóng đã đẩy nhu cầu sử dụng cát lên nhanh khiến nhiều mỏ cát dưới sông bị khái thác quá mức vượt qua khả năng bù đắp của dòng sông. Ngoài những nguyên nhân trên thì tình trạng khai thác quá mức nước ngầm cũng là nguyên nhân khiến ĐBSCL gia tăng sạt lở, sụt lún…

“Mặc dù thời gian qua Chính phủ, các bộ ngành và địa phương có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu, tình trạng khai thác, sử dụng cát và nguồn nước ngầm, tuy nhiên các giải pháp này cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ hơn” - ông Tuấn nói.

Lúc này là lúc phải tính kinh tế cho người nông dân, đừng để họ mãi chịu thiệt, phải tuân thủ kinh tế thị trường… cung nhiều, cầu ít thì giá rớt, còn cung ít hoặc vẫn vậy, mà cầu nhiều quá thì giá cao” – GS Võ Tòng Xuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Câu chuyện 'có, không' và nút thắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO