Sự kiện quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới không chỉ mang lại niềm tự hào mà còn là lời nhắc nhở đầy trách nhiệm. Trách nhiệm gìn giữ, phát huy và kết nối những giá trị quý báu trong một không gian văn hóa chung, vượt qua những ranh giới địa lý...
Di sản vượt giới hạn hành chính
Không giống nhiều di sản tập trung ở một địa phương, quần thể này trải dài trên địa bàn ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng. Ba địa điểm, ba di tích tiêu biểu, nhưng cùng kết nối trong một chỉnh thể văn hóa - tâm linh mang dấu ấn sâu đậm của Phật giáo Trúc Lâm – một dòng Thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII.
Việc liên kết ba địa phương trong một hồ sơ di sản cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong tư duy bảo tồn văn hóa – từ đơn lẻ sang hợp tác, từ quản lý hành chính sang điều phối vùng. Đây là minh chứng cho thấy chỉ khi các giá trị được nhìn nhận trong chỉnh thể rộng hơn, kết nối hài hòa giữa không gian, thời gian và con người, di sản mới có thể lan tỏa và sống bền vững trong cộng đồng.
Đây không phải lần đầu tiên, một di sản liên vùng ở nước ta được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Trước đó, vào năm 2023, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã công nhận quần thể vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây chính là di sản thế giới liên tỉnh, thành đầu tiên tại nước ta. Thời điểm đó, nhiều chuyên gia văn hóa và du lịch đã kỳ vọng mở ra cánh cửa để các vùng du lịch liên kết hỗ trợ cho nhau.
Nhà nghiên cứu Minh Đạo - Chi hội Di sản Văn hóa Hồng Châu (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cho rằng, việc quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng) chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới không chỉ là niềm tự hào của địa phương, mà còn là dấu mốc quan trọng trong hành trình khẳng định vị thế văn hóa Việt Nam trên bản đồ di sản toàn cầu.
“Sự kiện này không chỉ mở ra cơ hội, mà còn đặt ra yêu cầu mới cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh phát triển bền vững. Chúng ta cần nhìn nhận di sản không chỉ là quá khứ để gìn giữ, mà là nguồn lực văn hóa sống, có thể góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch văn hóa” - nhà nghiên cứu Minh Đạo nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ThS. Nguyễn Đắc Tới - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển) cho rằng, việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới là một dấu mốc tuyệt vời, thể hiện giá trị vượt thời gian của di sản văn hóa Việt Nam.
Theo ông, đây không chỉ là niềm tự hào của các địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng - nơi quần thể di tích tọa lạc sau sắp xếp địa giới hành chính - mà còn là minh chứng rõ rệt cho những nỗ lực lâu dài, có chiều sâu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của khu di tích.
“Việc ghi danh không đơn thuần là sự tôn vinh của cộng đồng quốc tế, mà còn là lời khẳng định cho cách làm bài bản, có chiến lược của các địa phương trong hành trình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị về lịch sử, tôn giáo, cảnh quan và triết lý sống gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm đã được bảo tồn một cách tương đối nguyên vẹn, và giờ đây có thêm điều kiện để lan tỏa mạnh mẽ hơn” - ThS. Nguyễn Đắc Tới nhấn mạnh.
Từ vinh danh đến hành động
UNESCO vinh danh quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là khởi đầu cho hành trình bảo tồn và phát huy di sản liên vùng một cách bền vững. Danh hiệu kéo theo những yêu cầu nghiêm ngặt về bảo tồn nguyên trạng, không gian văn hóa và trách nhiệm của địa phương, cộng đồng, ngành du lịch.
Thách thức lớn hiện nay là xây dựng cơ chế phối hợp liên tỉnh hiệu quả. Không thể tiếp tục tình trạng “mạnh ai nấy làm” khi mỗi địa phương đầu tư, truyền thông, khai thác riêng lẻ. Nếu thiếu điều phối chung và quy hoạch tổng thể, nguy cơ khai thác quá mức, phát triển lệch pha và phá vỡ cảnh quan văn hóa là điều khó tránh khỏi.
Nhà nghiên cứu Minh Đạo cho rằng, với danh hiệu di sản thế giới, quần thể di tích này cần được tiếp cận bằng một chiến lược tổng thể – từ việc xây dựng quy hoạch bảo tồn đồng bộ giữa các địa phương, đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường nghiên cứu khoa học và đầu tư cho hạ tầng dịch vụ phù hợp.
“Việc quần thể di tích được công nhận là Di sản văn hóa thế giới chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức trong quá trình khai thác và quản lý. Khai thác như thế nào cho hợp lý, để không làm tổn hại đến giá trị cốt lõi của di sản?” - nhà nghiên cứu Minh Đạo nêu quan điểm.
Theo ông, vì quần thể di tích trải dài trên địa bàn ba địa phương là Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng, nên rất cần một cơ chế điều phối liên vùng rõ ràng, đồng thuận và hiệu quả. “Lãnh đạo ba địa phương cần ngồi lại với nhau để thống nhất các nguyên tắc phối hợp cụ thể. Trong đó, phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm quản lý, phương án bảo vệ, cơ chế khai thác, cũng như phân chia lợi ích một cách minh bạch”- ông Đạo đề xuất.
Còn theo GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, việc xây dựng hồ sơ liên tỉnh để trình UNESCO ở Việt Nam xưa nay là việc làm rất khó khăn. Bởi chúng ta thường cố định tính địa phương, địa phương nào biết việc địa phương đó. Chính vì vậy những di tích, di sản trải dài từ hai địa phương trở lên có nhiều khó khăn trong quản lý, bảo vệ, khai thác. Rất mừng vừa rồi 3 địa phương đã phối hợp rất tốt trong việc làm hồ sơ trình UNESCO.
“Sau khi xây dựng hồ sơ và đã được công nhận thì làm sao để phát huy giá trị của di sản này lại là vấn đề khác. Vì vậy để phát huy tốt nhất lại trở về câu chuyện nhận thức của lãnh đạo từng địa phương rằng di sản không phải chỉ của địa phương mình mà là của đất nước. Sau đó cần có sự liên thông, liên kết trong quá trình khai thác giữa các địa phương để xây dựng những kế hoạch có tính đồng bộ, liên vùng, như vậy mới phát huy được giá trị của di sản” - ông Giang nêu ý kiến.
Tăng cường vai trò của cộng đồng trong khai thác
ThS. Nguyễn Đắc Tới cho rằng, cơ hội lớn đang mở ra là phát triển du lịch văn hóa – tâm linh theo hướng bền vững. Với sự cộng hưởng từ di sản thế giới, các địa phương có thể xây dựng chuỗi tour liên vùng “Hành trình Trúc Lâm”, kết nối các điểm di tích, làng nghề, sản phẩm văn hóa bản địa. Khi du khách không chỉ đến Yên Tử rồi đi, mà tiếp tục hành hương đến Côn Sơn – Kiếp Bạc, trải nghiệm nghi lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm, thưởng thức dân ca, ẩm thực địa phương... thì giá trị kinh tế từ di sản mới thực sự lan tỏa đến cộng đồng.
Đồng thời, tăng cường vai trò của cộng đồng, chính người dân là những “người giữ hồn” cho di sản, nên cần được đào tạo, hỗ trợ để cùng tham gia vào bảo tồn và hưởng lợi từ các giá trị đó.