Giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đã đi qua. Năm 2015, ngành ngân hàng đạt được nhiều bước tiến đặc biệt, trở thành điểm nhấn của giới truyền thông trong nước và quốc tế, trong đó Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) được coi là một hiện tượng.
BIDV sáp nhập thành công MHB vào tháng 5 năm 2015.
Theo thống kê và phân tích của Media Tenor – Công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân tích các nội dung truyền thông, trong năm 2015, thông tin và nhận định về ngân hàng chiếm nhiều nhất trong các ngành kinh tế trên các phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam và quốc tế. Trong đó, BIDV trở thành Ngân hàng có ít thông tin xấu nhất trong TOP 3 ngân hàng. Theo Media Tenor, BIDV có tần suất và tỷ lệ nhận định truyền thông tương đối đồng đều nhờ các vụ sáp nhập diễn ra thuận lợi và sự đóng góp tích cực của các ngân hàng này trong quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng do Ngân hàng nhà nước khởi xướng.
Đặc biệt, trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2015, tần suất xuất hiện thông tin BIDV trên các phương tiện truyền thông tăng vượt trội về số lượng với tỷ lệ tin xấu ở mức thấp nhất trong TOP 3 ngân hàng. Hầu hết các thông tin giai đoạn này phản ánh về kết quả kinh doanh của BIDV cũng như hoạt động xúc tiến đầu tư mạnh mẽ của ngân hàng sang các thị trường mới như: Nga, Đài Loan, Nhật Bản… Ngoài ra, dư âm của đợt sáp nhập MHB thành công cũng làm lượng tin phản ánh về BIDV được tăng cường.
Lý giải về độ “phủ sóng” của BIDV trên mặt báo, Media Tenor cho hay yếu tố làm nên hiện tượng BIDV trong năm 2015 chính là nhờ các thương vụ sáp nhập diễn ra thuận lợi và sự đóng góp tích cực của đơn vị này trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng – một hoạt động do Ngân hàng Nhà nước khởi xướng từ năm 2011 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2015. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi theo chuyên gia nghiên cứu truyền thông Nguyễn Thu Hiền (Media Tenor Việt Nam), hoạt động M&A và xu hướng phát triển ngành ngân hàng đang là hai trong số các chủ đề được báo chí quan tâm nhiều nhất. Kéo theo đó, các vấn đề liên quan như: nhân sự chủ chốt, giá cổ phiếu ngân hàng, nợ, kết quả kinh doanh hay chiến lược sản phẩm… cũng được chú ý không kém.
Tương đồng với kết quả phân tích của Media Tennor, số liệu tổng hợp từ 150 website và 200 đầu báo giấy trong nước và quốc tế trong năm 2015 của Công ty Truyền thông TVPlus cũng cho thấy BIDV là ngân hàng dẫn đầu trong số các ngân hàng có lượng thông tin phản ánh trên báo chí với 11.200 tin, bài. Trong đó, chỉ tính riêng thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV diễn ra trong tháng 5/2015 đã thu hút tới 800 bài viết đăng tải trong khoảng thời điểm sáp nhập. Đặc biệt, thương vụ sáp nhập này còn trở thành điểm nhấn và dẫn chứng trong nhiều bài báo về sau.
Từ câu chuyện về thứ hạng của BIDV có thể thấy công chúng ngày càng quan tâm tới các vụ sáp nhập diễn ra thuận lợi, trong đó, điển hình là thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV. Đây là giao dịch sáp nhập tiên phong trong Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2 năm 2015.
Và với những nỗ lực trong hoạt này, BIDV được Diễn đàn M&A Việt Nam (tổ chức 6/8/2015) đánh giá là Thương vụ sáp nhập tiêu biểu năm 2015. Việc được trao tặng giải thưởng thương vụ sáp nhập tiêu biểu 2015 đã một lần nữa khẳng định sức hút thông tin mạnh mẽ từ hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động sáp nhập nói riêng trong thế giới truyền thông.
Theo đại diện BIDV, năm 2015, toàn bộ quá trình thực hiện công tác sáp nhập MHB vào BIDV được thực hiện trong vòng 55 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập MHB vào BIDV và chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi Thống đốc NHNN có quyết định 589/QĐ-NHNN chấp thuận sáp nhập MHB vào BIDV. Đến hết ngày 22/5/2015, thương hiệu MHB chính thức chấm dứt hoạt động. Trong hai ngày thứ bảy, chủ nhật (23-24/5/2015), BIDV đã tiến hành chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của Hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo đúng nhận diện của BIDV. Từ ngày 25/5/2015, toàn bộ các chi nhánh của MHB trước đây, nay hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV. Sau sáp nhập, mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm mạng lưới trên cả nước với tổng số lao động là gần 24.000 cán bộ, nhân viên. |