Cầu Đuống (nối quận Long Biên và huyện Gia Lâm) được xây dựng từ năm 1902 (122 tuổi), vừa là cầu đường bộ của Quốc lộ 1 cũ và là cầu đường sắt tuyến Hà Nội - Đồng Đăng. Nhiều năm qua, cầu Đuống luôn phải sửa chữa và là điểm nghẽn trên tuyến hành lang đường thủy số 1 của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Do đó, để giải quyết vấn đề trên Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống giai đoạn 2021-2025. Theo đó, vào tháng 7/2023, Bộ Giao thông Vận tải khởi công xây dựng hai cầu đường sắt và cầu đường bộ qua sông Đuống (thuộc dự án nâng cấp vận tải thủy sông Đuống), thay thế cho cầu Đuống cũ khai thác chung đường sắt và đường bộ. Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có vị trí tại phường Thượng Thanh, Đức Giang (quận Long Biên) và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Sau khoảng 8 tháng thi công, công trường bên đầu cầu phía quận Long Biên đã có một trụ cầu được lắp đặt. Hiện nay, phần lớn các hạng mục này đang trong giai đoạn khoan cọc nhồi. Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, trên công trường xây dựng hai cầu đường sắt và cầu đường bộ qua sông Đuống (thuộc dự án nâng cấp vận tải thủy sông Đuống) các loại máy móc, sà lan, vật liệu xây dựng... đã tập kết phục vụ công tác thi công. Các công nhân đang đan các lồng cọc khoan nhồi làm móng cầu. Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 là 650,82 tỷ đồng). "Dự án được chia làm 2 gói thầu bao gồm gói thầu cầu đường sắt Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (X-CĐ-01); gói thầu cầu đường bộ Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (X-CĐ-02), được triển khai trên địa bàn các phường Thượng Thanh, Đức Giang, quận Long Biên và thị trấn Yên Viên huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội) bao gồm các hạng mục", ông Phương chia sẻ. Đối với cầu đường sắt gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế 80km/giờ. Khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền 7m, giai đoạn hoàn thiện 9,5m. Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có phạm vi đầu tư bao gồm tuyến chính chiều dài khoảng 700m và nút giao hai đầu cầu; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100m về phía hạ lưu. Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, phân bổ luồng giao thông hợp lý giữa phía Bắc và Nam sông Đuống, thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của Thủ đô theo định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Sau 8 tháng thi công cầu Đuống mới hiện đã xây dựng một trụ cầu đường bộ và ba trụ cầu đường sắt. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.