Cầu Long Biên: Sau vụ sập tấm đan, người dân vẫn 'phớt lờ' biển cấm

Lê Khánh 13/06/2022 14:45

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng đã trải qua 120 năm sử dụng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù đã đưa ra các biện pháp nhằm giảm tải các phương tiện di chuyển lên cầu bằng các biển cấm, nhưng nhiều người vẫn “phớt lờ” không quan tâm đến mối nguy hiểm luôn rình rập.

Trải qua 120 năm đưa vào sử dụng, hiện nhiều hạng mục trên cầu Long Biên đã xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng, mỗi ngày chiếc cầu này vẫn "gánh" trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại.
Đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên cho biết, việc cấm người bộ lên cầu là do các tấm đan ở phần đường bộ hành giờ đã xuống cấp, nếu tụ tập đông người, đùa nghịch có thể xảy ra sự cố nguy hiểm.
Đặc biệt, trước đó ngày 4/5 cầu Long Biên đã gặp sự cố sập tấm đan trên cầu bộ hành tạo thành một lỗ thủng to ước một người lớn chui lọt, nhìn thấy cả các bộ phận, kết cấu cầu phía bên dưới.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, ở ngay hai đầu cầu đã có biển cấm người đi bộ, ô tô cả ngày và cấm xe đạp thồ, xe máy thồ từ 5h-20h. Song, PV vẫn bắt gặp nhiều người vô tư đi bộ, hóng gió, tập thể dục trên cầu bất chấp nguy hiểm dù đã có biển cảnh báo.
Nhiều vị trí tấm đan bị hở lớn từ 3 - 4 cm nếu không cẩn thận, người dân di chuyển trên đường bộ hành có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Hàng dài người dân di chuyển trên đường bộ hành cầu Long Biên.
Không chỉ có người đi bộ trên cầu bộ hành, mà hàng loạt phương tiện xe máy thồ bất chấp nguy hiểm di chuyển lên cầu.
Nhiều xe máy lên, xuống bãi giữa từ khu vực đường bộ cầu Long Biên.
Thậm chí, do hàng hóa cồng kềnh một người đang chở hàng phải dừng xe để buộc lại phần hàng hóa gây mất ATGT nghiêm trọng.
Xe ba gác cũng cố tình di chuyển mặc nguy hiểm luôn rình rập ở phía trước.
Cô Nguyễn Thị Thu trú tại Long Biên, Hà Nội chia sẻ, dù cầu Long Biên đã 2 lần bị sập tấm đan nhưng chẳng ai mảy may đến mức độ nguy hiểm của cây cầu này gây ra. Vào mỗi buổi chiều người dân thường xuyên di chuyển tới cây cầu này để hóng mát, chụp ảnh.
“Tôi e rằng nếu người dân cứ tiếp tục phớt lờ cảnh báo của các cơ quan chức năng thì sớm muộn kiểu gì cũng có người gặp nguy hiểm. Mong các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn để bảo vệ cây cầu lịch sử của Việt Nam”, cô Thu cho hay.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cầu Long Biên: Sau vụ sập tấm đan, người dân vẫn 'phớt lờ' biển cấm