Thời gian gần đây, giá cau tươi xuống thấp, trong khi đó, quả cau non để lâu sẽ già không thể bán được, khiến nhiều nhà vườn trồng cau ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Chín (xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) cho biết, gia đình ông trồng được khoảng 5.000 cây cau, trên diện tích 1,5ha đang thời kỳ cho quả. Mỗi năm đến mùa thu hoạch hơn 4 tấn quả cau tươi để bán cho thương lái trên địa bàn huyện, thu về hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng hiện nay vườn cau của ông chưa tiêu thụ được.
“Những năm trước, giá cau tươi dao động từ 50 nghìn đến hơn 70 nghìn đồng/kg. Hiện nay giá cau tươi bán tại vườn chỉ được từ 8 nghìn đến 10 nghìn đồng/kg. Việc giá trái cau non xuống thấp khiến nhiều chủ vườn trồng cau lo lắng” - ông Chín nói.
Không chỉ ở huyện Tiên Phước mà ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, thời điểm này nhiều vườn cau của người dân ở các xã Tam Thạnh, Tam Sơn, Tam Xuân 1… cũng khá sai quả, nhưng thương lái đến thu mua cau tươi với giá thấp, làm nhiều chủ vườn trồng cau không muốn bán. Ông Nguyễn Tấn Thuận (xã Tam Xuân 1) cho biết: “Đợt vừa rồi tôi bán được hơn 1 tạ cau tươi thu được hơn 3 triệu đồng. Nay cây cau đang cho quả lứa thứ 2, 3 nhưng thương lái đến thu mua giá thấp, chỉ khoảng hơn 8 nghìn đồng/kg. Tôi tiếc quá nên chưa thể bán”.
Theo ông Thuận, trước đây mỗi khi cây cau bắt đầu ra hoa, thương lái đã đến đặt cọc thu mua cả vườn. Cau tươi tăng giá, còn tạo việc làm cho nhiều người ở nông thôn có thu nhập từ việc mua cau non bán lại đến hái trái cau thuê rồi phơi cau cho các chủ lò. Còn năm nay thị trường tiêu thụ cau tươi khó khăn khiến nhà vườn sụt giảm nguồn doanh thu và thu nhập của người lao động tự do cũng sụt giảm theo.
Bà Nguyễn Thị Sáu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Tiên Phước cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 900ha cây cau, trong đó cây đã cho quả là hơn 500ha. Sản lượng mỗi năm đạt hơn 2.000 tấn cau tươi. Giá trị thu nhập từ quả cau và các sản phẩm phụ từ trái cau của toàn huyện đạt hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng năm nay giá cau tươi quá thấp, khiến người dân địa phương mất nguồn thu nhập.
Trong khi đó tại tỉnh Quảng Ngãi, bà Nguyễn Thị Anh Đào (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) vừa bán hơn 50kg cau cách đây mấy ngày với giá 8 nghìn đồng/kg. “So với năm 2022, giá cau tươi giảm gần 7 lần khiến gia đình mất nguồn thu nhập lớn. Năm trước, cũng tầm này bán cau, giá ở mức 58 nghìn đồng/kg. Năm nay giá thấp, nên nhiều người để cau chín rụng chứ không bán” - bà Đào cho biết.
Ông Phạm Chí Hùng - một thương lái thu mua cau ở huyện Tư Nghĩa, cho hay: Giá cau hiện tại tôi đang mua vào là 10 nghìn đồng/kg đối với trái cau miền núi, 12 nghìn đồng/kg đối với trái cau đồng bằng. Năm nay, giá cau thấp hơn các năm khác bởi vì thị trường tiêu thụ khó khăn, đồng thời do ảnh hưởng thời tiết nên năm nay cau xấu và ít trái. Còn việc thu mua cau thường bắt đầu vào tháng 6 âm lịch mỗi năm. Năm nay, giá cao nhất tôi thu vào là 14 nghìn đồng/kg, còn thời điểm đầu vụ chỉ khoảng 5 nghìn đồng/kg”.
Ông Phạm Hồng Khuyến - Trưởng phòng NNPTNT huyện Sơn Tây cho biết, toàn huyện có tổng diện tích trồng cau hơn 1.000ha, tập trung nhiều nhất là xã Sơn Dung, với diện tích gần 325ha, chiếm 31,78% diện tích toàn huyện. Hiện nay giá thu mua cau tươi trên địa bàn huyện khoảng 10 nghìn đồng/kg so với năm ngoái giảm hơn 30 nghìn/kg cau tươi.
“Trên địa bàn huyện Sơn Tây hiện có 16 cơ sở chế biến, tổng công suất thiết kế khoảng 8.000 tấn/vụ, với nguồn nguyên liệu thu mua tại chỗ đáp ứng khoảng 65% công suất của các cơ sở này. Cau trái tươi sau khi được thu mua, sẽ được sấy và phân loại, đóng gói và xuất cho đại lý, hoặc xuất khẩu thẳng sang thị trường như: Trung Quốc, Ấn Độ” - ông Khuyến cho biết thêm.