Ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tại hiện trường tiến độ dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Báo cáo với đoàn công tác, Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) cho biết, đến nay, tiến độ tổng thể dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 đã đạt trên 97% và đang trong giai đoạn tăng tốc để về đích.
Hiện, phần đường cầu Rạch Miễu 2 đã cơ bản hoàn thành phần tuyến và đường dẫn lên cầu. Dự án đang hoàn thiện lắp dải phân cách, sơn kẻ đường, lắp đèn chiếu sáng… Hạng mục thi công bê tông nhựa cho các phân đoạn ngắn cuối cùng còn lại phía bờ tỉnh Đồng Tháp sẽ hoàn thành trước 20/7/2025. Phần cầu trên toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành: cầu Xoài Hột, cầu Mỹ Tho, cầu Tam Sơn, cầu Ba Lai và cầu Sông Mã.
Phần cầu chính - cầu Rạch Miễu 2 đã hợp long cầu chính cầu dây văng vào ngày 19/4/2025. Đến nay, dự án đã hoàn thành thi công gờ lan can, lắp đặt lan can, dải phân cách và khe co giãn cầu chính… và đang triển khai công tác thảm bê tông nhựa mặt cầu chính.
Phần cầu dẫn đã hoàn thành công tác thảm bê tông nhựa phía bờ Nam (bờ phường Thới Sơn, tỉnh Đồng Tháp) và sẽ tiếp tục công tác thảm bê tông nhựa phía Bắc (bờ Kim Sơn, tỉnh Đồng Tháp), dự kiến hoàn thành trước ngày 15/7/2025.
Dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phụ trợ của cầu, các thí nghiệm đo dao động dây văng, giảm chấn; triển khai công tác kiểm định thử tải cầu… và sẽ hoàn thành toàn bộ cầu Rạch Miễu 2 trong đầu tháng 8/2025.
Trên công trường, các đơn vị thi công đã huy động gần 600 công nhân, cán bộ kỹ thuật tiếp tục duy trì thi công “3 ca, 4 kíp”, với 30 mũi thi công cùng 150 đầu thiết bị thi công. Tất cả đang quyết tâm thi công hoàn thành dự án trong cuối tháng 8/2025.
Sau khi nghe đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu thi công báo cáo tiến độ, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá cao nỗ lực của các nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ công trình cầu Rạch Miễu 2, về trước thời gian 6 tháng so với kế hoạch đề ra. Công trình không những vượt tiến độ mà về mặt kỹ thuật, chất lượng thi công đều rất tốt. “Đặc biệt, giá thành dự án giảm gần 50% so với nước ngoài thi công, nhờ các đơn vị trong nước làm chủ được khoa học công nghệ, phương tiện máy móc, thiết bị và sử dụng các nguồn vật tư, vật liệu trong nước” - ông Trần Hồng Minh nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 không chỉ mang lại lợi thế cho hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long mà còn là trục giao thông huyết mạch của phía Đông, kết nối từ TPHCM, Vĩnh Long, Đồng Tháp đến Cần Thơ. Nếu hoàn thành tuyến này, toàn bộ các hoạt động lo-gistics, phát triển kinh tế địa phương và giao lưu hàng hóa giữa các vùng, miền sẽ cực kỳ thuận lợi.
Tại hiện trường buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trúc Sơn cho biết, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ khánh thành Dự án vào ngày 19/8/2025 và thông xe vào ngày 2/9 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại buổi kiểm tra.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trúc Sơn đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các đơn vị thi công tận dụng tối đa thời gian còn lại để hoàn thiện công trình.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp có chiều dài 17,6 km, điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa Quốc lộ 1 và Đường tỉnh 870), thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp và điểm cuối tại Km16+660 Quốc lộ 60, cách mố phía Bắc cầu Hàm Luông khoảng 0,71 km, thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long.
Cầu chính Rạch Miễu 2 được thiết kế là cầu dây văng. Dự án có tổng mức đầu tư 6.810,11 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp giảm tải giao thông trên tuyến Quốc lộ 60, đặc biệt là “chia lửa” cho cầu Rạch Miễu hiện hữu - nơi thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, nhất là vào dịp lễ, Tết.
Theo ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng), tính đến đầu tháng 7/2025, tiến độ tổng thể đã hoàn thành trên 96,5% khối lượng công việc được giao của dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Hiện tại, các nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công khẩn trương, phấn đấu sớm hoàn thành toàn bộ các hạng mục trong tháng 8/2025, tạo điều kiện đưa vào khai thác trước ngày 2/9/2025, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại các đợt kiểm tra dự án, cũng như tinh thần Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày trên công trường, các nhà thầu luôn duy trì khoảng 30 mũi thi công, huy động khoảng 150 thiết bị thi công; 600 công nhân cùng hàng trăm cán bộ kỹ thuật tổ chức thi công các hạng mục cuối cùng của dự án như: lắp dải phân cách, sơn kẻ đường, lắp đèn chiếu sáng và thi công bê tông nhựa cho các phân đoạn ngắn còn lại phía bờ Đồng Tháp.