Dù sáng 7/10 Hà Nội xuất hiện mưa nhỏ nhưng mặt cầu Vĩnh Tuy 2 đã bị ngập khiến các phương tiện di chuyển khó khăn.
Giải thích về vấn đề trên vị đại diện Ban QLDA Đầu tư công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân úng ngập là do rác bị tụ lại ở các hố ga thu khiến nước trên bề mặt cầu không có đường thoát.
"Đến thời điểm này, đơn vị thi công cầu đã lấy toàn bộ rác ra khỏi các hố thu và mặt cầu đã khô đảm bảo phương tiện di chuyển thuận tiện trở lại", vị đại diện Ban QLDA cho hay.
Trước đó, ngày 30/8 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo UBND TP Hà Nội cắt băng khánh thành và thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bắc qua sông Hồng vởi tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Sau khi khởi công từ tháng 1/2021, UBND thành phố đã chỉ đạo Ban QLDA, các nhà thầu xây dựng tiến độ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công 3 ca liên tục bám sát tiến độ tổng thể, quản lý tốt tiến độ Dự án, đặc biệt là các hạng mục, công việc thuộc đường găng phải hoàn thành.
Sau 32 tháng thi công đã vượt tiến độ “về đích” vào ngày 30/8 nhân Kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023) và 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).
Dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là cây cầu song song cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu; tim cầu giai đoạn 2 nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu sông Hồng 21,25m với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1.
Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép với tải trọng thiết kế HL-93 theo TCVN11823-2017, chịu được động đất cấp 8. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; điểm đầu tại Km0+840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai; điểm cuối tại Km4+312,62, giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu 19,25m, tương đương 4 làn xe.