Đó là cây cầu Bình Đào bắt qua sông Trường Giang, nối liền hai xã Bình Đào và Bình Triều thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Hiện nay cây cầu đã xây dựng xong nhưng không thể đưa vào sử dụng vì chưa có đường dẫn.
Được biết, dự án cầu Bình Đào có tổng vốn đầu tư hơn 43 tỷ đồng từ việc sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý dự án 6. Đây là cây cầu xây để thay thế cây cầu cũ cách đó khoảng 100m.
Theo thiết kế, cầu có tổng chiều dài 713 m (chiều dài cầu 185m và chiều dài đường dẫn khoảng 528m), bề rộng mặt cầu 9m, tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, tốc độ thiết kế 60 km/h. Cây cầu được khởi công xây dựng vào tháng 9/2019.
Việc khởi công cây cầu này là đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân. Ông Nguyễn Văn Hường (68 tuổi), trú tại thôn 2, xã Bình Đào cho biết: “Cầu Bình Đào cũ làm bằng sắt nhiều năm sử dụng nay đã xuống cấp hư hỏng trầm trọng. Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu mới bằng bê tông cốt thép vững chãi người dân chúng tôi rất vui mừng. Thế nhưng cầu hoàn thành lại để phơi mình ra đó vì không thể sử dụng do phần đường dẫn chưa thi công được”.
Một trong những nguyên nhân cây cầu “đứng bánh” là việc người dân chưa thống nhất về giá cả đền bù giải tỏa mặt bằng để làm đường dẫn. Ông Nguyễn Nhanh (52 tuổi), trú tại thôn 2, xã Bình Đào là một trong những hộ dân nằm trong diện giải tỏa đền bù cho rằng, mức giá đền bù chưa thỏa đáng. Khu đất của gia đình ông nằm ngay tại ngã ba, đang kinh doanh buôn bán mang lại thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng nếu chuyển đến nơi khác sẽ làm ăn không được thuận lợi.
“Tôi không chống lệnh của Nhà nước, tái định cư (TĐC) đến nơi khác thì tôi đồng ý nhưng phải đền bù mức giá thỏa đáng. Mức giá bồi thường cho nhà tôi quá thấp nên tôi chưa chấp nhận. Chưa nói gia đình tôi buôn bán lâu nay, giờ chuyển đến chỗ khác không buôn bán được, mất hết thu nhập”- ông Nhanh nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Ba, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình, công tác giải phóng mặt bằng cho cầu Bình Đào bị vướng 5 hộ dân. Hiện nay, các hộ này đã có quyết định phê duyệt bồi thường theo quy định. “Trong 5 hộ này có 3 hộ TĐC ngay trên phần đất còn lại, 2 hộ buộc phải di dời bàn giao mặt bằng. Đơn vị đã thực hiện đúng quy định của Nhà nước, công khai mời các hộ bị ảnh hưởng đến nhận chi trả đền bù nhưng vẫn họ vẫn chưa thoả mãn” - ông Ba nói.
Vẫn theo ông Ba, do các hộ có đề xuất hỗ trợ nhưng ngoài thẩm quyền nên huyện cũng đã báo cáo tỉnh. Đối với 3 hộ tái định cư trên đất còn lại, tỉnh thống nhất cho chủ trương, sắp tới, huyện sẽ mời 3 hộ này đến nhận chi trả đền bù. Đối với 2 hộ còn lại do vị trí hiện tại buôn bán thuận lợi, sinh lời cao nên người dân chưa đồng ý mức đền bù của Nhà nước. Trong 2 hộ này, có 1 hộ được bố trí lô phụ theo quy định đã được huyện linh hoạt xử lý nhưng hộ này vẫn chưa đồng ý.
Trong khi đó, ông Trần Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Bình Đào, cho biết hiện có 3 hộ dân đã đồng ý di dời, bàn giao mặt bằng thi công đường dẫn cầu. Còn 2 hộ dân cuối tuyến không hài lòng với khu đất tái định cư mới nên chưa chịu bàn giao mặt bằng. Đến hết quý I/2021, nếu 2 hộ dân trên không chịu di dời, chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”- ông Vinh nói.
Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, hiện nay cơ bản 3 hộ đã đồng ý, 2 hộ còn lại vẫn chưa thống nhất phương án bồi thường. “Còn 2 hộ nếu họ không đồng ý thì trong quý I sẽ tổ chức cưỡng chế. Vì ai cũng phải chấp hành theo quy định của Nhà nước” - ông Hùng nói.
Trong khi chờ đợi cầu Bình Đào được lưu thông, người dân hai xã Bình Đào và Bình Triều phải đi lại trên cầu sắt Bình Đào. Hiện cầu sắt xuống cấp, nhiều thanh sắt nhô lên mặt khiến việc qua lại mất an toàn rất nguy hiểm.