Trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vai trò của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng là hết sức quan trọng. Đây là cầu nối giữa chính quyền, đoàn thể với nhân dân. Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 306 người có uy tín. Với tinh thần trách nhiệm của mình, những người uy tín đang trực tiếp có những đóng góp hiệu quả để giúp đỡ đồng bào ở thôn, làng tích cực sản xuất, vươn lên thoát nghèo, xứng đáng là những cây cao bóng cả của cộng đồng.
Người dân thôn Giá Gối, xã Sơn Thủy, huyện Sơn Hà luôn nhắc đến ông Đinh Văn Tua với tình cảm trìu mến và đầy trân trọng. Ông không chỉ gương mẫu trong làm ăn, phát triển kinh tế, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn luôn trách nhiệm với cộng đồng. Ông chính là người đã hiến 600 m2 đất để xây Nhà văn hóa thôn, làm nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa cho đồng bào. “Mình luôn mong muốn bà con trong làng mình có đời sống tốt hơn, có nơi để sinh hoạt vui chơi nên mình tự nguyện hiến đất để xây Nhà văn hóa, cũng là để làm gương cho bà con ủng hộ việc chung của địa phương”, ông Tua chia sẻ. Trước đó, ông cũng tình nguyện hiến 300 m2 để xây dựng trường mẫu giáo thôn. Từ mảnh đất ông Tua hiến tặng, một ngôi trường mầm non xinh xắn đã mọc lên. Kể từ khi đưa vào hoạt động, ngôi trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu học tập, vì thế tỷ lệ học sinh đến lớp ở bậc mẫu giáo của thôn tăng lên nhiều so với trước đây. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, có rất nhiều tấm gương về người có uy tín trong cộng đồng như thế. Đây được coi là cây cao bóng cả, là chỗ dựa vững chắc của đồng bào các dân tộc Quảng Ngãi.
Còn ở xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, nhiều người biết đến ông Đinh Văn Hố, 68 tuổi, ở thôn Bãi Màu không chỉ bởi sự cần mẫn trong lao động sản xuất, mà còn là người có uy tín tiêu biểu. Ông Hố chia sẻ, khi được chi bộ, thôn và người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, tôi luôn nỗ lực làm việc, nhất là tuyên truyền, vận động người dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo. Tôi thường xuyên đến từng nhà để gặp gỡ, trò chuyện với người dân trong thôn, từ đó kết hợp tuyên truyền, vận động các hộ cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Nhiều năm qua, với sự gương mẫu và uy tín của mình, ông Hố đã hòa giải thành công 20 vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; vận động, ngăn chặn kịp thời 8 vụ tảo hôn. Ông Hố cũng tích cực vận động người dân hiến đất, cây cối, hoa màu, ngày công lao động... để xây dựng đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, để góp phần thực hiện các tiêu chí của xã nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Thế Nhân - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, trong những năm qua, người uy tín đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Tích cực cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm gây rối trật tự xã hội. Người uy tín còn tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Nhiều người uy tín thực sự là tấm gương tiêu biểu, trung tâm đoàn kết và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
“Ngoài việc phát huy vai trò của người uy tín, tỉnh Quảng Ngãi còn phát huy vai trò của lực lượng cốt cán theo hướng dẫn của Trung ương. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ thướng Chính phủ”, ông Nguyễn Thế Nhân cho biết.