Như đã đưa tin, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ ( 27/7/1947 - 27/7/2017), 63 năm Ngày giải phóng bốt La Tiến, 70 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên, sáng 29/3, Hội thảo khoa học về di tích Lịch sử quốc gia Cây đa và Đền La Tiến đã diễn ra tại TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên).
Gần 40 tham luận trình bày tại hội thảo đã góp phần làm rõ những giá trị lịch sử của di tích quốc gia này; cùng với đó là những đề xuất, giải pháp nhằm phát huy giá trị của khu di tích trong cuộc sống hôm nay.
Quang cảnh hội thảo.
Trân trọng quá khứ
Trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Trưởng Ban tổ chức Hội thảo nêu rõ: Cây đa và Đền La Tiến là chứng tích lịch sử đánh dấu những chiến công oanh liệt của nhân dân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại đây có bốt La Tiến, phía trước là dòng sông Luộc và bến phà nối giữa hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
Trong thời gian thực dân Pháp thực hiện kế hoạch bình định đồng bằng Bắc Bộ, trong 5 năm chiếm đóng (từ năm 1949 - 1954), thực dân Pháp giết hại, tra tấn dã man 1.145 chiến sĩ cách mạng, đồng chí và đồng bào ta. Trước tội ác man rợ của kẻ thù vào đêm 31/1/1954, bộ đội chủ lực đã phối hợp với quân dân Phù Cừ tiêu diệt bốt La Tiến.
Các tham luận trình bày tại hội thảo một lần nữa khẳng định: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, La Tiến là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu về quân sự, án ngữ phía Nam về Hưng Yên, phía Bắc Thái Bình và phía Tây Hải Dương nên dịch đã lấy đây là vị trí chiếm đóng, lập bốt án ngữ nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực,thự phẩm từ các vùng lân cận và đàn áp phong trào cách mạng của quân dân Hưng Yên.
Ngay từ buổi đầu chiếm đóng, địch đã khủng bố hòng thiết lập “vành đai trắng” vô cùng tàn bạo. Chúng bắt hàng ngàn người dân và du kích trong vùng đưa về bốt La Tiến tra tấn dã man và giết hại bằng những hình thức man rợ. Nhưng sự tàn bạo của kẻ thù không những không đàn áp được phong trào, mà còn thổi bùng lên ngọn lửa căm thù ý chí chiến đấu ngoan cường vì độc lập tự do của quân và dân ta.
Trận tiến công tiêu diệt bốt La Tiến do quân dân ta tiến hành vào cuối tháng 1/1954 đã góp phần vào những chiến công vang dội của quân và dân tỉnh Hứng Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, có ý nghĩa to lớn trên chiến trường cả nước, góp phần làm suy yếu địch, tạo điều kiện cho quân và dân ta đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngày nay, Cây đa và Đền La Tiến đã được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia theo quyết định của Bộ VHTT&DL năm 2015. Nơi đây trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất, quật khởi của quân dân Phù Cừ nói riêng, nhân dân Hưng Yên và cả nước nói chung. Đền thờ và cây đa La Tiến không chỉ là nơi lập bia căm thù, khắc ghi tội ác của kẻ thù, mà còn là địa điểm tri ân những chiến sĩ đồng bào trong tỉnh và các tỉnh lân cận đã hi sinh anh dũng để bảo vệ từng tấc đất, khúc sông quê hương.
Trình bày tham luận về Báo Cứu quốc với Cây đa La Tiến, nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang - Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho hay: Góp phần khẳng định những giá trị của cây đa La Tiến - một địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương, Báo Cứu quốc (tiền thân của Báo Đại Đoàn kết ngày nay) từ năm 1954 đã có bài phản ảnh về những chiến công của quân và dân xã Nguyên Hoà.
Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Đăng Vinh trình bày tham luận tại hội thảo.
Cụ thể là trên Báo Cứu quốc số 2539 ra ngày 23/2/1954 (nguồn lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam) đã đăng bài viết “ Bọn giặc khát máu ở vị trí La Tiến đã phải đền tội ác tày trời của chúng”.
Bài báo có nêu: Chỉ tỉnh riêng ở xã Nguyên Hoà là xã địch đóng vị trí La Tiến thì chúng đã giết 121 đồng bào, đưa đi bỏ tù mất tích 133 người, bắt tra tấn 417 người, bắt ép đi nguỵ binh 50 người, giết 60 trâu bò, cướp 3 triệu 12 vạn đồng Đông Dương, đốt phá không biết bao nhiêu lần các thôn Tam Đa, Sỹ Quý, Hạ Đồng, Thị Viên, Giang Tân… Nếu cộng cả các xã khác thì địch đã bắn giết tới hơn 2.000 đồng bào, bỏ tù hơn 5.000 người. Tội ác đẫm máu của bọn giặc ở La Tiến chồng chất mỗi ngày một nhiều…
Cũng theo nhà báo Hồng Thanh Quang, giờ đây để phát huy những giá trị của di tích lịch sử quốc gia Cây đa và Đền La Tiến, ngoài việc trân trọng quá khứ, khơi dậy lòng tự hào, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau, còn có một nhiệm vụ nữa là làm cho mảnh đất cách mạng năm xưa ngày càng phát triển, giàu mạnh.
Từ di tich lịch sử quốc gia Cây đa và Đền La Tiến, bàn về công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ Hưng Yên, ông Bùi Huy Cường, Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên đã đưa ra một số đề xuất, trong đó việc đưa nội dung truyên truyền về truyền thống cách mạng và lịch sử Cây đa La Tiến và Đền La Tiến vào chương trình giáo dục đối với học sinh các cấp trong toàn tỉnh; cũng như tăng cường hoạt động ngoại khoá để cho thế hệ trẻ được đến tham quan tìm hiểu về di tích nói trên. Thông qua đó nhằm giáo dục cho học sinh, đoàn viên thanh niên truyền thống cách mạng bất khuất của quê hương.
Còn theo Thiếu tướng, TS Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Dù đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng các hạng mục được đầu tư ở di tích này vẫn còn khiêm tốn so với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn của di tích; các hoạt động diễn ra tại đây cũng chưa gây được ấn tượng sâu sắc với du khách tham quan. Do đó, qua nghiên cứu các nguồn tư liệu lịch sử về di tích, Viện để xuất với địa phương xây dựng Nhà trưng bày các tư liệu lịch sử tại di tích, nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Theo đó, Nhà trưng bày tại di tích sẽ được chia thành 3 phần chính với tổng diện tích khoảng 200 - 250 m2.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết
trình bày tham luận tại hội thảo.
Kết nối du lịch tâm linh
Ông Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hưng Yên chia sẻ: Để phát huy được những giá trị lịch sử góp phần vào việc phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương cần một cách làm đúng khoa học và phù hợp. Việc đầu tiên cần làm là xác định rõ và cần tập trung vào thế mạnh về giá trị của di tích, về tương quan của di tích trong hệ thống di tích lịch sử văn hoá tỉnh Hưng Yên. Có thể thấy rõ, Hưng Yên có mật độ di tích lịch sử văn hóa dày đặc, chứa đựng những giá trị trải dài qua các thời kỳ. Do đó một điều cần lưu ý là khi liên kết Cây đa và đền La Tiến với các di tích, địa danh khác để hình thành các tour, tuyến, sản phẩm du lịch cần phải lựa chọn được những địa danh, di tích phù hợp để liên kết. Khi đã liên kết, kết nối được địa điểm Cây đa và đền La Tiến với các địa danh lịch sử, tâm linh khác sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của tất cả các thành tố trong chuối liên kết đó.
Ông Huân nhấn mạnh, trong bối cảnh du lịch văn hoá tâm linh đang trở thành xu hướng phổ biến trong đời sống văn hoá của cộng đồng, việc khơi dậy và phát huy thế mạnh của hệ thống di tích lịch sử văn hoá nói chung, các di tích cách mạng nói riêng đã và đang được các cấp các ngành quan tâm …Đó cũng là mọt biện pháp hữu hiệu và thiết thực để Cây đa và Đền La Tiến cũng như những giá trị di tích của truyền thống, của quá khứ hoà nhập vào cuộc sống hiện đại, góp phần vào việc kiến tạo xã hội giàu đẹp văn minh.
Góp ý kiến cho việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Hưng Yên, đại diện Cty cổ phần du lịch Sồng Hồng - Thăng Long GTC cho hay, dự kiến sau hội thảo này công ty sẽ khảo sát và đưa địa điểm Di tích lịch sử quốc gia Cây đa và Đền La Tiến kết nối tour với các điểm đến: Chử Đồng Tử - Chùa Chuông - Đền Mẫu - chùa Phố Hiến, góp phần phát huy giá trị di tích nói trên.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.
Được biết hiện lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đang chỉ đạo dự án qui hoạch và mở rộng xây dựng di tích này trở thành một địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mang, và là một điểm đến. Trong tương lai, nơi đây sẽ là một điểm đến tâm linh thu hút đông đảo khách tham quan.
Kết luận hội thảo, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân - đồng trưởng ban tổ chức đánh giá hội thảo đã thành công tốt đẹp. Ban tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến, tham luận tại hội thảo để làm rõ thêm một số vấn đề về những chi tiết còn chưa rõ xung quanh di tích lịch sử quốc gia này. Cùng với đó là việc ứng xử với Cây đa La Tiến sao cho khoa học chứ không chỉ bằng tình cảm. Tiếp đó là tiếp tục nghiên cứu để có hình thức thể hiện di tích một cách sâu sắc hơn cảm động hơn; Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng quê La Tiến để tạo dấu ấn trong lòng du khách…
Cựu binh La Tiến năm xưa bên triển lãm tư liệu về Cây đa La Tiến.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Con số 1.145 chiến sĩ, đồng bào ngã xuống tại bốt La Tiến là con số gây ấn tượng to lớn, nó vừa nói lên tội ác dã man của quân xâm lược, nhưng cũng thấy được ý chí anh hùng của những người chiến sĩ cách mang. Và điều quan trọng hơn là nó trao truyền cho thế hệ sau một giá trị truyền thống uống nước nhớ nguồn, rằng sự nghiệp hôm nay, giang sơn hôm nay chính là nhờ vào công sức của nhứng người đi trước, trong đó có những người đã ngã xuống. Tuy sự kiện chỉ diễn ra tại một địa phương nhưng với bối cảnh xã hội phát triển ngày nay nó sẽ phát huy thành giá trị rộng lớn hơn rất nhiều. Vì thế chúng ta khai thác góc độ này chính là mang lại lợi ích cho tương lai. Trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta có hoà bình, xây dựng đất nước, đồng thời chúng ta cũng nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục và trao truyền những giá trị của quá khứ ấy thì việc phải quan tâm phát huy, trên cơ sở chúng ta xây dựng những cơ sở vật chất đồng thời có những chính sách, chủ trương để làm sao không những giữ gìn và phát huy giá trị ấy, là một trách nhiệm chính trị, nhưng đồng thời cũng là một ý thức bồi đắp văn hoá. Tài nguyên tinh thần quan trọng hơn nhiều so với tài nguyên vật chất. Mong rằng chúng ta hãy nghiên cứu sâu sắc hơn nữa để vật chất hoá những giá trị của lịch sử. Còn những điểm chưa rõ trong tư liệu lịch sử, vẫn phải tiếp tục tìm kiếm để làm rõ. Do vậy những gì mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên muốn đầu tư nhiều hơn nữa, nâng cấp cao hơn và phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị của di tích này, tôi cho là điều hết sức chính đáng và cần thiết. |