Cây đại thụ của văn hóa Việt

HÀ THU 21/10/2022 11:11

Sau thành công của Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2022, nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu văn học nhắc nhớ đến cố nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902-1987). Bởi, nhà văn Vũ Ngọc Phan không chỉ là người Chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), người được tôn vinh ở Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về  Văn học - nghệ thuật mà còn để lại cho nền văn học, ngôn ngữ, báo chí những giá trị nổi bật.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan-Chủ tịch Ủy ban vận động Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngoài cùng bên trái) cùng nhà văn Nguyễn Đình Thi và một số cán bộ văn hóa đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm triển lãm văn hóa lần thứ nhất năm 1945. Ảnh tư liệu.

Thúc đẩy phát triển văn hóa dân tộc

Nhà văn Vũ Ngọc Phan, sinh ngày 8/9/1902 tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Cụ Vũ Kỳ Sâm, thân sinh của nhà văn là một nhà nho yêu nước. Lúc nhỏ nhà văn theo cha đi khắp nơi làm nghề dạy học. Rồi ông đỗ đạt cao trong hệ thống giáo dục của Pháp thuộc với bằng Pháp văn và Anh văn. Nhà văn từ chối không làm cho chính quyền thuộc địa mà chọn nghề tự do làm báo, viết văn để sinh sống và mong ước phục hồi và phát triển nền văn hóa dân tộc. Từ đầu thế kỷ XX, ông đã là một dịch giả lớn giới thiệu văn học phương Tây cho người Việt Nam.

Với các tác phẩm dịch xuất bản như: “Châu đảo” của R.L.Stevenson (1933), “Ivanhoe” của Wanter Scott (1936), “Anna Karenina” của L.Tolstoy (1942) và sau này với 7 tác phẩm dịch thuật khác, Vũ Ngọc Phan là người đặt nền móng giới thiệu văn học thế giới với nhân dân ta, mở mang và thúc đẩy phát triển văn hóa dân tộc.

Nói về sự đóng góp của ông ở giai đoạn này, dịch giả Thúy Toàn nhìn nhận: “Ông là người đầu tiên đã đề cập đến mảng dịch thuật một cách sâu sắc… Ông thực sự coi văn học dịch là đối tượng để nghiên cứu, phân tích trong toàn bộ tiến trình phát triển của văn học dân tộc nói chung”.

Năm 1936-1939, ông đã tích cực tham gia hoạt động trong Hội truyền bá quốc ngữ cùng các ông: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên… Cùng thời gian này, ông đã cho đăng tiểu luận “Trên đường nghệ thuật” và bút ký “Nhìn sang láng giềng”, so sánh tình trạng lạc hậu của nước ta với các nước trên thế giới.

Ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, văn chương tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ phát triển mạnh, ông đã khai trương một tờ báo văn học và trở thành Tổng biên tập tờ báo Hà Nội Tân văn với 16 trang khổ 30x50cm ra hàng tuần. Đây là tờ báo văn học đầu tiên ở Việt Nam bằng chữ quốc ngữ.

Báo Hà Nội Tân văn là bệ đỡ và đăng tải nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam lúc ấy như các nhà thơ: Lưu Trọng Lư, Hằng Phương, Vũ Hoàng Chương, Tế Hanh…; các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Tô Hoài… Tờ báo đã ghi nhận sự bùng phát của văn chương tiếng Việt, khuấy động phong trào sáng tác cho những năm đầu phát triển văn học quốc ngữ.

Ấp ủ từ lâu việc tôn vinh những giá trị của nền văn học Việt Nam non trẻ với chữ quốc ngữ, thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa ngoại bang. Chỉ mới 38 tuổi, bằng sức làm việc phi thường trong thời gian hơn hai năm, nhà văn đã đọc toàn bộ tác phẩm của 79 tác giả cho ra đời bộ sách đồ sộ “Nhà văn hiện đại” với 4 tập 5 quyển (tập 4 gồm hai quyển) với 1.438 trang mô tả toàn bộ sự phát triển của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến trước cách mạng Tháng Tám 1945.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào năm 1945, được sự động viên của ông Võ Nguyên Giáp, nhà văn đã ra ứng cử và với uy tín cá nhân lớn ông đã trở thành Chủ tịch Ủy ban văn hóa Bắc bộ. Sau Cách mạng Tháng Tám, với cương vị Chủ tịch ông đã giải tán Ủy ban văn hóa Bắc bộ để đưa Ủy ban gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc, góp phần quan trọng trong việc tập hợp trí thức trong mặt trận Việt Minh.

Đoàn kết trí thức

Nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902-1987).

Để tiếp tục phát triển nên văn hóa Việt Nam, các đại biểu của hơn mười đoàn thể văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật… trong cả nước về dự họp tháng 10/1945 đã bầu ra Ủy ban vận động Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Với uy tín lớn, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã được bầu với số phiếu cao nhất để trở thành Chủ tịch Ủy ban vận động Hội nghị văn hóa toàn quốc.

Trong hồi ký “Những năm tháng ấy”, ông đã viết khá chi tiết về các hoạt động của Ủy ban trong hơn một năm như sau: “Hồ Chủ tịch biết chúng tôi tổ chức Hội nghị này là lần đầu tiên nên Người dặn chúng tôi đường lối chung của Ủy ban là phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc thì cách mạng văn hóa mới có điều kiện phát triển trên cơ sở nắm vững ba nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa”.(Trích Bài viết tóm tắt một phần hồi ký “Những năm tháng ấy” của nhà văn Vũ Ngọc Phan).

Hội nghị Văn hóa toàn quốc khai mạc ngày 24/11/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu khai mạc hội nghị. Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào của dân tộc làm cơ sở… Người kết luận bài nói: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.” (Trích bài khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc của Hồ Chủ tịch, báo Cứu Quốc số 416 ngày 25/11/1946) .

Hội nghị họp ngày 24/11/1946 nhưng thực dân Pháp đã bắt đầu gây chiến ở Hải Phòng và sân bay Gia Lâm từ ngày 23/11/1946. Do tình thế, Hội nghị chỉ họp trong một ngày. Ngày 19/12/1946 kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ, giặc Pháp chặn mất đường lên chiến khu, gia đình nhà văn cùng nhiều gia đình văn nghệ sĩ yêu nước khác phải đi bằng thuyền trên sông xuôi về vùng tự do Liên khu IV và tản cư ở làng Quần Tín, xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Do mất liên lạc với chiến khu, các gia đình văn nghệ sĩ tập trung ở làng Quần Tín đã thành lập Đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu IV và Trường Văn hóa kháng chiến Liên khu IV.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan từng khẳng định: “Chỉ qua con đường tìm hiểu tri thức của nhân dân thể hiện ở văn học nghệ thuật, mới tìm hiểu thấu đáo được văn học nghệ thuật của dân tộc từ ngọn nguồn, và từ đó xây dựng được một nền văn nghệ dân tộc phong phú và vững mạnh, trong đó việc sáng tác thơ ca, sáng tác văn học nói chung mới có đất để nảy nở tốt đẹp ”.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan trở thành Ủy viên thường trực của Đoàn Văn hóa kháng chiến và giảng viên văn học của trường trong khóa I. Năm 1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được triệu tập tại chiến khu Việt Bắc, nhận được giấy triệu tập nhưng năm ấy nhà văn đang ở khu IV và bị ốm nặng. Sau Hội nghị ít lâu, nhân dịp đồng chí Trường Chinh vào khu IV công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời hỏi thăm sức khỏe nhà văn. Trong thư tay Người viết: “Chú là người có uy tín cao trong giới trí thức vì thế sắp tới chú không cần tham gia tổ chức mà hãy nhân danh cá nhân kêu gọi trí thức Việt Nam đoàn kết xung quanh chính phủ kháng chiến thì đấy là một đóng góp lớn cho dân tộc và cho đất nước”.

Năm 1952, bệnh tình vừa thuyên giảm thì nhà văn lên đường đi chiến khu Việt Bắc. Ở chiến khu, ông nhận nhiệm vụ làm Ủy viên ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Thời gian sau đó, nhà văn Vũ Ngọc Phan trở thành cộng tác viên cho Đài phát thanh giải phóng và chương trình phát thanh vào Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam. Rất nhiều bài viết của ông đã góp phần quan trọng tập hợp và đoàn kết trí thức trong vùng địch tạm chiếm hướng về cách mạng và kháng chiến, góp phần mở rộng khối đoàn kết trí thức trong Mặt trận Việt Minh-Liên Việt lúc đó và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam sau này.

Trong suốt thời gian từ năm 1949 cho đến lúc qua đời (năm 1987), nhà văn Vũ Ngọc Phan đã đi sâu nghiên cứu về truyện cổ tích và tục ngữ, ca dao và dân ca Việt Nam. Kiên trì trong hàng chục năm, ông là người đầu tiên đã phân loại riêng tục ngữ, thành ngữ, ca dao và dân ca với những định nghĩa chính xác của khoa học folklore. Ông đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng cho thành lập Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và nhận nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội. Kết luận bài phát biểu trong hội nghị Hội Văn học dân gian năm 1984, ông khẳng định: “Chỉ qua con đường tìm hiểu tri thức của nhân dân thể hiện ở văn học nghệ thuật, mới tìm hiểu thấu đáo được văn học nghệ thuật của dân tộc từ ngọn nguồn, và từ đó xây dựng được một nền văn nghệ dân tộc phong phú và vững mạnh, trong đó việc sáng tác thơ ca, sáng tác văn học nói chung mới có đất để nảy nở tốt đẹp ”.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I với hai tác phẩm: “Tục ngữ và dân ca Việt Nam”, “Truyện cổ tích Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây đại thụ của văn hóa Việt