Như nhiều dân tộc khác, dân tộc Cor luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy các phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, cây nêu và bộ gu truyền thống được người Cor xem là biểu tượng tâm linh, có vị trí đặc biệt quan trọng và xuyên suốt, không thể thiếu trong các hoạt động lễ hội như tết mùa, lễ cúng giỗ ông bà, tổ tiên hay tế cúng thần linh.
Cây nêu - tổ hợp trang trí độc đáo
Nói về đặc điểm của hai biểu tượng trang trí này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Chủ biên “Từ điển các hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam” cho biết: Cây nêu trong lễ đâm trâu, là một tổ hợp trang trí, gồm thân gỗ chôn dựng đứng, có ngõng lồng nối vơi cây tre vươn lên cao, ngọn uốn cong xuống và có treo tấm phên nan dài thõng xuống.
Khắp chiều cao cây nêu là những trang trí tạo thành các tầng, lớp, với 3 màu truyền thống là đỏ, đen, trắng, kết hợp dùng màu sắc với tạo hình trên gỗ và sử dụng xơ vỏ cây, ống sậy, hạt cườm, nan tre. Phần dưới là những dải hoa văn vẽ ôm quanh cây cột gỗ. Trên đó là bộ phận như cái mâm trang trí phức tạp cả về bố cục, hình dáng và mô típ hoa văn. Tiếp đến, đoạn tre được bọc kín xơ vỏ cây và tạo hình giống như hai ổ chim. Trên nữa là trang trí bằng cách tạo các túm tua và vẽ các vòng màu xen kẽ nhau trải kín phần ngọn nêu. Tấm phên cũng được vẽ trang trí khắp 2 mặt. Hoa văn ở cây nêu phong phú, có sự kết hợp các vòng tròn, tam giác, hình thoi, chấm, đoạn thẳng, đường cong, để tạo thành những hình như cây hoa, sao 4 cánh, 8 cánh… Cách thức trang trí là tập trung thành dải ôm quanh một trục, hoặc phân bố theo các cạnh hay mảng tròn trên tấm gỗ. Trên cây nêu còn có những con chim chèo bẻo bằng gỗ, màu đen, ở tư thế bay ngược chiều kim đồng hồ, con chim trên đỉnh lớn nhất.
“Đây là kiểu cây nêu đẹp nhất của người Cor, dùng cho lễ cúng có hiến sinh trâu. Chân cột có tròng chiếc dây lớn kết chắc chắn và đẹp bằng mây, để buộc cổ con trâu tế. Lễ thức đâm trâu, việc cầu cúng và vũ điệu tập thể cùng diễn tấu cồng chiêng, trống kèm theo diễn ra xung quanh đó, bất kể là lễ cúng của gia đình hay cộng đồng. Những năm gần đây, trong các làng Cor ít tổ chức lễ đâm trâu, nên đã ít gặp những cây nêu loại này” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Ấn tượng bộ gu truyền thống
Về bộ gu, đây cũng là vật dụng để trang trí. Gu có hình chum màu đen nổi bật, cấu tạo thành 2 tầng; mỗi tầng hai thanh gỗ lắp vuông góc với nhau và cùng xuyên qua 1 trụ gỗ dài đẽo vuông, để tạo thành 4 nhánh. Đầu các nhánh này ở tầng dưới được đẽo tròn kiểu ngọn rau dớn, ở phần trên còn có thêm những cái “mào” chồi ra hình thang, màu đỏ.
Bốn mặt của trụ gỗ và 2 mặt bên các thanh gỗ dày đặc các mô típ hoa văn động, thực vật và hoa văn hình kỉ hà được tạo bởi kỹ thuật khắc chìm. Nổi bật nhất là hoa văn hình mặt trời, mặt trăng ở đầu 4 thanh gỗ và hình cây cối, hoa lá ở 4 mặt của trụ gỗ. Có rất nhiều tua là những đoạn thân cây đót treo vào thành từng dãy. Ngoài ra còn nhiều hình dáng trang trí được đẽo, tạc bằng gỗ rồi treo vào, như chiếc lược, chiếc gùi, con cá, con chim. Đặc biệt, một con phượng hoàng đất bằng gỗ, kích thước như thật, được treo bên cạnh; đầu, đuôi và cánh chim có thể cử động được nhờ một sợi dây giật.
Trong lễ cúng có hiến sinh bằng trâu của người Cor, chùm trang trí này được treo chính giữa gian khách trong nhà của gia đình chủ lễ, được coi là nơi ngự của các vị thần tới dự lễ. Không gian trang trọng, linh thiêng này cũng là nơi tiến hành các nghi lễ cúng tế trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.
Ngày nay, dù đã có ít nhiều thay đổi về hoa văn trang trí, nhưng mỗi dịp tổ chức lễ đâm trâu, hình thức trang trí đặc biệt này lại được thể hiện. Theo nhiều đồng bào Cor ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), họ có nhiều loại cột để buộc con trâu hiến tế trong các lễ hội truyền thống của làng và cộng đồng. Cột phướn là loại cột quan trọng nhất với nhiều bộ phận, với nhiều họa tiết hoa văn sinh động. Cây cột phướn được treo trên cao, chính giữa quãng gian khách trong nhà của gia chủ có trâu hiến tế, có nhiều mô típ trang trí với nhiều màu sắc lạ mắt, người Cor gọi là bộ gu.
Tại phiên họp Hội đồng Di sản Quốc gia lần thứ VII (diễn ra hồi giữa tháng 8/2014 tại Hà Nội), “Nghệ thuật trang trí trên cây nêu và bộ gu của người Cor” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Khi làng người Cor mở hội, những người già am hiểu phong tục, tập quán luôn trang trí cho cây nêu thật đẹp chuẩn bị cho lễ hội truyền thống của làng.
Theo một số người lớn tuổi dân tộc Cor tại Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam): Khi đã tổ chức lễ đâm trâu xong, người Cor tại đây không hạ cây cột đâm trâu xuống mà vẫn để cho đến khi cây mục, hư mới thôi. Sở dĩ để cây cột đâm trâu như vậy là để cho các ma tốt, thần linh, ông bà, tổ tiên làm nơi cư ngụ. Họ xem cột đâm trâu như biểu tượng của sợi dây tâm linh để nối con người với ma tốt, thần linh, ông bà, tổ tiên ngày một thêm gần gũi hơn. Để tổ tiên có điều kiện quan sát cuộc sống hằng ngày của buôn làng, phù hộ dân làng không bị ốm đau, bệnh tật, mùa màng tốt tươi, dân làng luôn được no đủ, buôn làng luôn đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau. Việc giữ lại cây cột đâm trâu còn là hình thức giáo dục, dạy bảo con cháu họ không quên về ông bà, tổ tiên, về cội nguồn của dân tộc mình…