'Cha đỡ đầu' của trẻ vùng biên

07/11/2023 09:59

Những đứa trẻ vùng biên mồ côi, thiếu thốn trăm bề nên có nguy cơ nghỉ học đã được công an các xã của huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã nhận đỡ đầu.

Thiếu tá Thân Trọng Ninh và đồng đội đến nhà đón 'con nuôi' ra lớp.

Người cha của trẻ mồ côi

Ngày mưa, Thiếu tá Thân Trọng Ninh - Phó Trưởng Công an xã Sa Loong đến nhà đón Y Minh Hà và Y Minh Vân (cùng học lớp 4E, Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) ra lớp. Do bà nội đi làm từ sớm nên “cha nuôi” phụ trách đón 2 em đến trường.

Cách đây 9 năm, mẹ của Y Minh Hà và Y Minh Vân chẳng may qua đời. 3 tháng sau, trong lúc đi nhổ cỏ mì thuê, cha của 2 em cũng đuối nước tử vong. Kể từ đó 2 đứa trẻ sống với bà nội Y Vốc (62 tuổi) ở căn nhà nhỏ tại thôn Bun Ngai (xã Sa Loong).

Mấy năm nay, sức khoẻ yếu, chẳng ai thuê bà Vốc làm. Để có tiền nuôi hai cháu, bà đi hái măng, mót mủ cao su kiếm được 20 - 30 nghìn đồng mỗi ngày. Chẳng đủ ăn, sợ cháu đói bà Vốc đành gửi 2 đứa trẻ vào nhà thờ nhờ các sơ chăm sóc.

Sau mấy năm vất vả, cái ăn cũng đủ dần, bà Vốc đón 2 cháu gái về nhà. 3 bà cháu nương tựa nhau sống qua ngày với những bữa cơm chỉ toàn là rau, hiếm lắm mới có thịt, cá. Vào tiểu học, ngoài giờ lên lớp Y Minh Hà và Y Minh Vân theo bà đi mót mủ, hái măng để có tiền lấp đầy chiếc bụng đói. Thấy bà già yếu, đau lưng… Hà và Vân cũng thay nhau nấu cơm, quét nhà để nội đỡ vất vả.

“Hà và Vân dù còn nhỏ nhưng hiếu thảo, thương mình lắm. Hai cháu mất cha mẹ khi quá sớm nên chẳng cảm nhận được tình thương gia đình. Có lúc hai cháu nhìn di ảnh của cha mẹ rồi hỏi “ai vậy bà”.

Bấy giờ mình chỉ biết ôm chúng khóc rồi vỗ về… là cha mẹ của các cháu đấy. Cha mẹ đang ở trên cao nhìn xuống và dõi theo các cháu mỗi ngày nên cố gắng học giỏi nhé…”, nói rồi bà Vốc bật khóc.

Thiếu tá Thân Trọng Ninh thăm hỏi, động viên 2 cô 'con gái nuôi'.

Đầu năm 2020, hay tin hoàn cảnh của Y Minh Hà và Y Minh Vân mồ côi cha mẹ lại hiếu học, Công an xã Sa Loong nhận đỡ đầu cả hai chị em với kinh phí hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng.

Bước vào năm học 2023 - 2024, Công an xã cũng tặng mỗi em một bộ sách giáo khoa, vở, cặp, quần áo và giày dép trị giá 800 nghìn đồng/em. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ do cán bộ, chiến sĩ Công an xã Sa Loong trích từ tiền lương đóng góp.

“Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng Mô hình ‘Đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn’ của Công an huyện Ngọc Hồi, đơn vị đã nhận đỡ đầu Y Minh Hà và Y Minh Vân. Chúng tôi mong rằng có thể quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ phần nào thiệt thòi cho 2 cháu.

Từ đó, 2 cô bé được nuôi dưỡng và phát triển trong môi trường sống an toàn, lành mạnh của gia đình, cộng đồng. Không chỉ nhận đỡ đầu hai cháu Hà và Vân, Công an xã Sa Loong còn thăm hỏi, tặng quà và mũ bảo hiểm cho học sinh khó khăn. Mỗi dịp 1/6, Tết Nguyên đán… những phần quà ý nghĩa, thiết thực cũng được trao đến học trò vùng biên”, Thiếu tá Thân Trọng Ninh cho biết.

Có quần áo, sách vở mới đến trường, Hà và Vân chẳng dấu được niềm vui và xúc động. Hà bảo rằng, cả hai chị em đều ước mơ làm cô giáo để sau này có thể về làng hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

“Không có cha mẹ đón đưa đi học như các bạn em cũng buồn lắm. Nhưng 2 chị em hạnh phúc vì có những người cha là các chú công an. Cha nuôi mua đồ đẹp, sách mới. Hai chị em sẽ cố gắng học thật giỏi”, Y Minh Hà thẹn thùng nói.

Ngồi bên cháu, bà Y Vốc với đôi mắt đỏ ửng chia sẻ “May mắn Công an xã lo lắng, quan tâm nên cuộc sống của 3 bà cháu mới bớt vất vả. Giờ tôi chỉ mong có sức khoẻ để chăm lo cho 2 cháu thêm nhiều năm nữa. Các cháu còn quá nhỏ để có thể tự lo cho bản thân. Nếu tôi không còn, chẳng biết Hà và Vân bám víu vào đâu…”.

Công an xã Sa Loong thăm, tặng quà cho gia đình bà Y Vốc.
Công an xã Đăk Nông trao xe đạp điện cho Y Giang.

Viết tiếp ước mơ

Mấy tuần nay, hành trình đến trường của Y Giang (lớp 10A1, Trường THPT Phan Chu Trinh, huyện Ngọc Hồi) không còn vất vả khi em có chiếc xe đạp điện mới do Công an xã Đăk Nông trao tặng.

Y Giang là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em. Nhà có ít rẫy trồng mì nên cha mẹ Giang quần quật làm cả năm cũng chỉ đủ ăn. Cũng vì cuộc sống khó khăn nên anh trai Giang nghỉ học từ sớm đi làm thuê, còn chị gái đã yên bề gia thất.

Hè vừa rồi, cha mẹ quyết định để Giang nghỉ học. Nghe cha mẹ nói, nữ sinh khóc liền mấy đêm. Để có tiền cho các em tiếp tục đến trường, mấy tháng hè Giang theo cha mẹ đi cạo mủ cao su. 2 - 3 ngày mới cạo được ít mủ, bán được vài trăm nghìn đồng. Số tiền này, cả nhà tiết kiệm lắm mới đủ ăn và lo cho 2 em đến lớp.

“Khi nghe cha mẹ nói ‘nhà mình nghèo quá, nghỉ học con nhé’ em chỉ biết khóc và nghĩ rằng bản thân sẽ chẳng bao giờ được đến trường nữa. Dù rất mong được đi học, nhưng cha mẹ còn đang vất vả thì em chẳng dám ích kỷ nghĩ đến điều gì khác. Hai em của em còn nhỏ, chẳng thể làm thuê nên em nhường việc đến trường cho chúng”, Y Giang bộc bạch.

Hay tin Y Giang có nguy cơ không được đến trường, Công an xã Đăk Nông đã đến tận nhà vận động, cùng sẻ chia khó khăn với gia đình. Qua nhiều ngày tâm sự, cha mẹ nữ sinh cũng đồng ý cho con đi học trở lại. Thế nhưng, nhà cách trường khá xa nên nỗi lo về phương tiện cho cô bé đi học khiến mọi người đau đáu.

Muốn hành trình đến trường của “con nuôi” thuận lợi hơn, Công an xã Đăk Nông kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ cho Giang. Trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024 Giang được tặng chiếc xe đạp điện mới, viết tiếp ước mơ đến trường.

“9 năm liền em đều đi bộ đến trường. Năm nay lên cấp 3, trường cách nhà hơn 5km, nếu đi bộ thì em chẳng kịp giờ đến lớp. May mắn, các chú công an đã kêu gọi nhà hảo tâm tặng cho em chiếc xe đạp điện. Món quà này giúp quãng đường đến trường của em thuận lợi hơn.

Em rất xúc động và biết ơn các chú”, Y Giang tâm sự. Hỏi về ước mơ sau này, Y Giang cúi mặt xuống, lắc đầu chia sẻ: “Em chưa dám nghĩ về tương lai sau này, vì nhà nghèo quá nên được đi học ngày nào em trân trọng ngày ấy”.

Trung tá Nguyễn Ngọc Vang - Trưởng Công an xã Đăk Nông cho biết, nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của các em, đầu năm 2022 đơn vị đã nhận đỡ đầu em Y Giang và Y Pha (học sinh lớp 9) đến khi vào đại học. Mỗi năm, cán bộ và chiến sĩ Công an xã Đăk Nông sẽ trích tiền lương hỗ trợ 1,8 triệu đồng/trường hợp.

Trong đó, Giang luôn nỗ lực, vượt khó vươn lên trong học tập. Năm học 2022 - 2023, em đoạt giải Ba học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lý. Việc nhận đỡ đầu sẽ hỗ trợ phần nào chi phí, động viên tinh thần để nữ sinh này tiếp tục cố gắng học tốt.

Thương bà vất vả, chị em Y Minh Hà và Y Minh Vân luôn cố gắng học thật giỏi.

“Trên địa bàn, 90% bà con là người dân tộc thiểu số, điều kiện sống rất khó khăn. Tuy nhiên, kinh phí của đơn vị còn hạn chế nên không thể nhận đỡ đầu nhiều em. Do đó, chúng tôi rất mong nhà hảo tâm chia sẻ, hỗ trợ để cán bộ, chiến sĩ có thể giúp đỡ thêm nhiều trường hợp khốn khó”, Trung tá Nguyễn Ngọc Vang nói.

Theo ông Vũ Việt Thắng – Phó phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi, đầu năm học 2023 - 2024, công an các xã, thị trấn đã tổ chức thăm, tặng quà, gồm: Sách, vở, quần áo… cho các em được nhận đỡ đầu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ về vật chất, cán bộ chiến sĩ công an thường xuyên gặp gỡ, động viên các em chú tâm vào học tập, có ý thức chấp hành pháp luật, không sa vào con đường phạm tội.

“Cán bộ, chiến sĩ Công an không chỉ làm tốt công tác bảo đảm an ninh - trật tự mà còn phối hợp với các cấp chính quyền địa phương quan tâm, sẻ chia khó khăn với những mảnh đời bất hạnh. Nhận đỡ đầu các cháu mồ côi, khó khăn là việc làm hết sức ý nghĩa, đáng trân quý của lực lượng công an. Qua đó, tiếp thêm động lực để các em vững bước đến trường”, ông Thắng tâm sự.

Ông Nguyễn Chí Tường - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho hay, mô hình đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Công an huyện Ngọc Hồi được triển khai từ đầu năm 2022. Đến nay, mô hình này đã và đang giúp đỡ 14 em có hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ vậy, các em được hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh của gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, mô hình đã góp phần xây dựng hình ảnh, phong cách người chiến sĩ Công an nhân dân nhân văn, vì dân phục vụ. Đồng thời thắt chặt quan hệ giữa công an và người dân tốt đẹp, bền chặt, gắn bó khăng khít hơn.

Ngọc Hồi là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum với hàng chục dân tộc sinh sống tại 8 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã biên giới. Ngọc Hồi có vị trí chiến lược về chính trị - an ninh - quốc phòng và là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh cũng như khu vực. Địa phương có đường biên giới tiếp giáp với hai nước Lào và Campuchia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Cha đỡ đầu' của trẻ vùng biên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO