Chấm điểm bệnh viện

Nam Việt 22/07/2023 07:00

Ngày 20/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã công bố điểm kiểm tra chất lượng của 115 bệnh viện năm 2022, trong đó có 54 bệnh viện công lập, 61 bệnh viện tư nhân. Nhiều người có thể chưa hài lòng với kết quả này nhưng đều cho rằng chấm điểm bệnh viện là cần thiết.

Bệnh viện (BV) dù tự chủ hay chưa tự chủ, xã hội hóa ít hay nhiều; BV công hay BV tư thì cũng là nơi người bệnh, người nhà của bệnh nhân trông chờ khi phải khám, chữa bệnh. Trong bối cảnh các BV nói riêng và ngành Y nói chung còn nhiều bất cập thì việc đánh giá chất lượng BV lại càng nhiều ý nghĩa, có thể coi là cơ sở để nhân dân lựa chọn.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chấm điểm là quá trình xem xét, đánh giá toàn diện các hoạt động của BV theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế, với 83 tiêu chí. Trong giai đoạn đầu bộ tiêu chí mới công bố, số lượng BV tại TPHCM đạt mức 4/5 điểm chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Đến nay đã có tới 38/115 BV đạt điểm 4 trở lên. Ông Dũng cũng cho rằng việc đánh giá chất lượng BV là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Riêng đối với BV, việc này giúp BV nhận ra những điểm mạnh và yếu, từ đó có kế hoạch cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Ai cũng ủng hộ việc đánh giá chất lượng BV nhưng kết quả phải đúng thì mới có ích cho cả ngành Y, đặc biệt là với người bệnh. Và tất nhiên, việc đánh giá phải thường xuyên, khách quan và phải được công bố công khai, tránh việc “tốt khoe, xấu che”; hay là can thiệp làm thay đổi kết quả đánh giá.

Lâu nay, việc đánh giá (trên nhiều lĩnh vực) vốn đã khó khăn. Thường thì đánh giá mang tính nội bộ trong mỗi đơn vị, cơ quan nên cả nể, nhìn trước ngó sau, dẫn đến “cả làng cùng vui”, ai cũng tốt cả. Rất hãn hữu mới có trường hợp bị đánh giá thiếu tích cực, trừ phi người đó vi phạm quá rõ ràng (như nghỉ quá số ngày trong năm theo quy định chẳng hạn). Còn thì việc đánh giá khách quan (do người ngoài đơn vị chấm) thì cũng được chăng hay chớ. Ví dụ như khách hàng đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên ngân hàng qua mạng, mấy khi đã đúng.

Thời gian qua, một số địa phương cũng đã thực hiện việc người dân “chấm điểm” cán công công chức, viên chức. Điều này được coi là cách để điều chỉnh thái độ phục vụ người dân và cũng là để cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, cũng là do nể nang, nên lại không đúng: nhận được điểm cộng khi chấm nhưng lại là điểm trừ (có khi còn dưới cả trừ) khi kêu ca.

Ngay như việc doanh nghiệp “chấm điểm” cơ quan liên quan (trong đó có các cơ quan hành chính, hải quan, thuế...), thì cũng nhiều điểm tốt, trong khi Chính phủ vẫn phải liên tục đốc thúc việc cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho, làm khó doanh nghiệp, trong đó không loại trừ cái gọi là “phí bôi trơn”.

Trở lại việc chấm điểm BV, không chỉ là tốt mà còn rất cần thiết. Trong đó, cần đặc biệt chú ý tới cung cách phục vụ, chất lượng phục vụ đối với người bệnh khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Từ lâu, dư luận rất bức xúc trước tình trạng phân biệt đối xử giữa người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế với người khám, chữa bệnh dịch vụ. Một đằng đúng là “thượng đế” thật khi được chăm sóc rất ân cần; ngược lại những người “thò” bảo hiểm y tế ra thì phải xếp hàng, chờ đợi, khám qua quít, phát cho những loại thuốc “giá bèo”, nhiều trường hợp phải tự mua thuốc bên ngoài.

Vẫn biết xã hội hóa y tế, thực hiện tự chủ BV, nhưng cũng không thể quên rằng BV công là nơi trông cậy của người bệnh, đặc biệt là người nghèo. Không ai muốn vào viện cả, đặng chẳng đừng mới phải đi khám, chữa. “Lương y như từ mẫu”, thầy thuốc được xã hội ví như mẹ hiền thì chí ít cũng phải làm làm tròn bổn phận đó. Có nghĩa là BV, mỗi nhân viên y tế phải là chỗ dựa cho bệnh nhân.

BV công hay BV tư thì cũng đều cần “chấm điểm”, nhưng có lẽ cần tập trung vào khối BV công. Vì dẫu sao, tính dịch vụ ở BV tư là rõ ràng, làm không tốt thì mất uy tín, đóng cửa. Còn BV công thì người dân phải được quyền chăm sóc, thụ hưởng khi cần. Đó cũng chính là tính ưu việt của chế độ ta.

Chấm điểm BV công, có thể do người dân chấm (theo các tiêu chí ngành y đưa ra), nhưng cũng cần có bộ phận chấm điểm độc lập do chính BV đó lập ra. Và có lẽ cũng rất cần cơ chế “chấm chéo” giữa các BV công - tư. Như vậy điểm số mỗi BV nhận được sẽ chính xác hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấm điểm bệnh viện