Ngày 16/3 Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội nghị tổng kết quá trình thí điểm bộ công cụ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh năm 2016. Ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, TTCP đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
Ông Phí Ngọc Tuyển.
PV:Thưa ông có một Bộ công cụ để đánh giá công tác PCTN, vậy ai là người sử dụng, ai là người hưởng lợi từ quá trình đánh giá “chấm điểm” công tác PCTN?
Ông Phí Ngọc Tuyển: Hiện quá trình đánh giá gồm 63 UBND tỉnh thành kết hợp với TTCP. Tức là gồm 64 nhóm để ra một sản phẩm chung. Không có cơ quan trung tâm nào nữa để đánh giá lại. Có sự đối chiếu thống nhất giữa TTCP và 63 UBND tỉnh thành sẽ có tổng điểm cụ thể.
Chúng tôi không đánh giá đơn nhất một chiều. Còn ai sẽ là người hưởng lợi từ việc đánh giá thì thông qua đánh giá tình hình thực hiện PCTN sẽ giúp công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Nếu thúc đẩy công tác PCTN ở địa phương tốt hơn thì tất cả người dân được hưởng lợi, đất nước được hưởng lợi.
Kết quả khảo sát chỉ ra có sự chênh lệnh giữa báo cáo của TTCP với kết quả đánh giá của UBND cấp tỉnh ông bình luận gì về vấn đề này?
Có chênh lệch về điểm số theo tôi nguyên nhân đầu tiên là về nhận thức trong đánh giá còn chưa chính xác. Để xảy ra thực trạng này là bởi đây Bộ công cụ lần đầu tiên đo lường một vấn đề rất phức tạp, các địa phương chưa nhận thức hết những yêu cầu của Bộ chỉ số cho nên khi đánh giá chưa đúng.
Yêu cầu rất then chốt là khi anh đưa vào đánh giá phải có bằng chứng, tuy nhiên sau khi TTCP đối chiếu lại thì địa phương không đưa ra được chứng cứ thỏa đáng. Cho nên khi chúng tôi trao đổi lại nội dung nào chưa đủ bằng chứng thì chưa đưa vào. Thứ hai, đây là vấn đề mang tính chất kĩ thuật đo lường, nên các công thức tính được đưa ra, các địa phương thực hiện chưa thật đúng với Bộ chỉ số.
Tôi cho rằng, trong đánh giá của địa phương về công tác PCTN vẫn còn có bệnh thành tích, nhưng không nhiều. Có chuyện địa phương mong muốn phòng chống tham nhũng kết quả hơn nhưng thực tế lại chưa được như vậy.
Có tới 31 địa phương có số điểm thấp hơn trung bình, như vậy công tác PCTN cấp tỉnh còn rất yếu thưa ông?
- Như tôi đã nói, đây là vấn đề khó, Bộ chỉ số thực hiện lần đầu nên có giới hạn nhất định. Nó chỉ nằm trong phạm vi của UBND cấp tỉnh thôi chưa thể hiện hết hoạt động của địa phương trong đó bao gồm hoạt động của các tổ chức khác nữa.
Tuy nhiên, địa phương mà có kết quả đánh giá cuối cùng chưa đến 60% trong tổng điểm là kém.Điều đó chỉ ra rằng, công tác PCTN ở địa phương đó còn nhiều việc phải làm. Địa phương chưa đạt cần cố gắng nhiều hơn.
Như vậy, mong muốn đạt điểm cao không chỉ dừng ở ý chí nữa mà phải là hành động. Trong báo cáo có 2 kiến nghị quan trọng. Phải thực sự quan tâm đến công tác PCTN ở địa phương. Có chính sách phân biệt, hỗ trợ các địa phương đối với công tác này còn ở mức thấp, có xem xét đầy đủ nguyên nhân để tìm ra giải pháp.
Thưa ông, báo cáo có chỉ ra có rất nhiều địa phương không phát hiện tham nhũng, ông bình luận gì về vấn đề này?
- Khi thực hiện Bộ chỉ số này chúng tôi không nghĩ đến việc có địa phương không phát hiện vụ tham nhũng nào. Trong Bộ chỉ số không đặt ra cứ phải là vụ án hình sự. Chỉ là hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính cũng được nhưng rút cục có địa phương thậm chí không phát hiện vụ việc nào. Điều này đòi hỏi địa phương cần quan tâm công tác phát hiện tham nhũng.
Năm 2016 Bộ Chính trị có Chỉ thị 50 và Chỉ thị 12 tăng cường công tác phát hiện tham nhũng, nhưng nhiều đơn vị thực hiện chưa nghiêm Chỉ thị này. Tôi cho rằng, thời gian thực hiện còn ngắn nên độ ngấm chưa cao, nhưng nếu việc này vẫn tiếp tục diễn ra vào những năm tiếp theo thì đáng ngại.
Ông kỳ vọng công tác PCTN sẽ hiệu quả hơn sau khi ứng dụng Bộ chỉ số “chấm điểm” công tác PCTN?
- Tôi hy vọng PCTN sẽ tốt hơn. Đây là phương pháp học tập phía Hàn Quốc.Nước bạn họ thực hiện được 15 năm thành công tương đối tốt thúc đẩy PCTN.
Ở Việt Nam công tác PCTN có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ quan TTCP được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCTN sẽ có biện pháp thúc đẩy sự vào cuộc, sự tham gia tích cực của cả hệ thống với công tác PCTN. Cũng giống như PAPI, PCI các tỉnh thứ hạng cao thấp sau khi bị đánh giá chắc chắn sẽ có động thái hữu hiệu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh, tham nhũng đã vượt qua phạm vi biên giới mỗi quốc gia và trở thành vấn đề nhức nhối, đe dọa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước xác định, tham nhũng là quốc nạn; công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Hoàng Anh |