Luôn quan tâm, chăm lo và hỗ trợ cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các cán bộ hưu trí; thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” bằng hành động cụ thể, chu đáo, đó chính là nét văn hóa đặc trưng của ngành Dầu khí.
Gặp mặt cán bộ hưu trí dầu khí nhân Ngày quốc tế người cao tuổi.
Tâm sức, trí tuệ của các thế hệ người dầu khí đi trước đã đặt nền móng vững chãi cho mọi thành công hiện tại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Trong mỗi giọt dầu quý giá khơi lên từ lòng đất hôm nay chắc chắn hàm chứa bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của cha anh. Những công lao to lớn đó luôn được các thế hệ dầu khí đi sau tôn vinh, ghi nhớ và tận tình tri ân bằng sự thấu hiểu đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây” truyền thống.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, được sự quan tâm của lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam, trong ngành Dầu khí đã hình thành một số tổ liên lạc (sau này gọi là ban) của những cán bộ, nhân viên dầu khí đã nghỉ hưu theo chế độ ở các địa phương như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên... Đến tháng 8/2008 đã có 32 Ban Liên lạc hưu trí (LLHT) được thành lập, trong đó có 24 ban địa phương và 8 ban ở các đơn vị với tổng số 3.230 hội viên hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Công đoàn ngành. Như vậy, sự quan tâm đến những người Dầu khí nghỉ hưu, nghỉ chế độ của ngành đã được thể hiện từ rất sớm. Điều này càng rõ nét bởi vào tháng 8-2008, trước khi Quốc hội thông qua Luật Người cao tuổi (ngày 23/11/2009), lãnh đạo Petrovietnam đã quyết định thành lập Ban LLHT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và ban hành “Quy chế tổ chức, hoạt động” của tổ chức này.
Từ khi Ban LLHT Tập đoàn được thành lập đến nay, công tác chăm lo cho các cán bộ hưu trí đã thực sự chuyển biến về chất, đổi mới về phương thức hoạt động, mang lại những hiệu quả thiết thực và có ý nghĩa sâu sắc với những người lao động dầu khí đã nghỉ chế độ. Việc hình thành và phát triển tổ chức của những cán bộ hưu trí dầu khí một mặt tạo điều kiện để cán bộ hưu trí chia sẻ, thăm hỏi giúp đỡ nhau trong cuộc sống với tinh thần tương thân tương ái; mặt khác các “cây cao bóng cả” có thể tiếp tục đưa ra những ý kiến đóng góp, bài học kinh nghiệm quý báu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, góp phần xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam ngày càng lớn mạnh, phát triển bền vững.
Có thể nói, về các chính sách, sự quan tâm đối với cán bộ hưu trí, nghỉ theo các chế độ, thì ít có ngành nào có quy mô hoạt động của tổ chức LLHT hoàn chỉnh như ngành Dầu khí. Đây là chủ trương đúng đắn của lãnh đạo và người lao động dầu khí, nó tiếp nối dòng chảy nghĩa tình, quan tâm chăm lo cho đồng nghiệp từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Sự quan tâm chu đáo và toàn diện của lãnh đạo các cấp và công đoàn ngành mang tính quyết định, song bên cạnh đó, chính những năm tháng đồng hành “đi tìm lửa”, vượt qua khó khăn gian khổ, vượt qua những khắc nghiệt của một nghề nghiệp đặc thù như Dầu khí đã làm nên chất keo gắn bó các thế hệ với nhau, tạo nên sự kết nối, đồng cảm giữa các cán bộ đã nghỉ hưu với nhau hơn.
9 năm qua, kể từ khi thành lập Ban LLHT Tập đoàn đã tạo nên trong toàn ngành những nhận thức đúng đắn hơn về vai trò cán bộ hưu trí, về nghĩa vụ và quyền lợi, về cơ chế hỗ trợ, đãi ngộ, chính sách chăm lo đối với cán bộ đã nghỉ hưu, đồng thời có giá trị động viên tinh thần thực sự lớn lao đối với các thế hệ đi trước. Sự quan tâm chu đáo, đối xử ân tình đã phần nào bù đắp và lấp đi khoảng trống hụt hẫng mà những người về hưu thường gặp phải, đặc biệt là những người từng đóng góp nhiều công sức, có nhiều thành tích xây dựng ngành Dầu khí; tạo thêm niềm vui cuộc sống, sự an ủi lúc tuổi già cũng như nguồn động lực để họ tiếp tục cống hiến cho Tập đoàn, cho đất nước.
Ban LLHT Tập đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ làm cầu nối giữa những người nghỉ hưu với lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo quy định, trong ban lãnh đạo Ban LLHT Dầu khí các cấp đều có các vị lãnh đạo đơn vị và các cơ quan chức năng liên quan và Chủ tịch Công đoàn tham gia nên các vụ việc, các kiến nghị luôn được xem xét kịp thời, xử lý; các hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho người nghỉ hưu luôn được bảo đảm mặc dù nhiều đơn vị còn gặp khó khăn. Ngoài ra, Tập đoàn thường xuyên còn có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường giúp đỡ, quan tâm tới các ban LLHT liên quan, tới những người nghỉ hưu từ đơn vị mình.
Các cán bộ hưu trí được phản ánh tâm tư, nguyện vọng, được đề nghị đơn vị chủ quản cũ và Tập đoàn giúp đỡ thông qua các ban LLHT; được tham gia sinh hoạt định kỳ, được hưởng quyền lợi theo quy chế, được cung cấp thông tin về hoạt động của ngành, tư vấn góp ý về công việc khi có đề nghị; được tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, tham quan du lịch, nghỉ dưỡng; được tặng quà vào dịp lễ tết, các ngày kỷ niệm lớn của Tập đoàn, Ngày Quốc tế Người cao tuổi, Ngày Thương binh - Liệt sĩ và được xét trợ cấp đột xuất khi ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo, được xét giúp đỡ giảm nghèo, hỗ trợ con em hoặc giúp sửa chữa, xây dựng nhà ở khi gặp hoàn cảnh quá khó khăn.
Đầu năm 2014, lãnh đạo Petrovietnam đã có Quyết định tiếp tục kiện toàn cơ cấu và nhân sự của Ban LLHT Tập đoàn, theo đó lãnh đạo Ban LLHT Tập đoàn gồm các cán bộ lãnh đạo Tập đoàn đã nghỉ hưu, đại diện lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí, đại diện Ban LLHT một số khu vực.
Ban LLHT có Ban Thư ký giúp việc gồm đại diện một số ban chuyên môn thuộc Công ty Mẹ Tập đoàn, đại diện Quỹ Tương trợ và Công đoàn Dầu khí. Thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức hệ thống liên lạc hưu trí, ngay từ đầu năm 2014, Thường trực Ban LLHT Tập đoàn đã rà soát lại tình hình hoạt động và danh sách, thông tin về hơn 4.000 hội viên đang sinh hoạt tại 32 ban LLHT đơn vị và địa phương, đồng thời lập Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các ban LLHT thuộc Tập đoàn theo 3 cấp: Cấp Tập đoàn, cấp đơn vị và trực thuộc đơn vị. Sau khi Đề án được thông qua, Tập đoàn đã ra quyết định chuyển giao toàn bộ các hội viên hưu trí về 23 đơn vị trực thuộc. Tới cuối năm 2015 toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đã triển khai xong việc tiếp nhận hội viên hưu trí, triển khai tổ chức hưu trí tại đơn vị, đồng thời ban hành các quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban LLHT đơn vị dựa theo quy chế của Tập đoàn, có bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình của đơn vị.
Tính tới ngày 31/12/2016 đã có 6.120 hội viên hưu trí sinh hoạt tại 23 ban LLHT đơn vị, trong đó 20/23 đơn vị thành lập Ban LLHT đơn vị, trừ một số đơn vị chưa thành lập Ban LLHT do số cán bộ nghỉ hưu chưa có nhiều. Các đơn vị có số hội viên hưu trí nhiều nhất là Vietsovpetro (1.700 hội viên), PTSC (gần 1.100 hội viên), PVC (gần 1.000 hội viên). Chỉ riêng trong năm 2016 đã có thêm gần 700 hội viên tham gia Ban LLHT Tập đoàn.
Xuất phát từ tình hình mới và để phù hợp với mô hình quản lý hiện tại, tháng 6/2016, Hội đồng Thành viên Tập đoàn đã ban hành quy chế mới về “Tổ chức và hoạt động của Ban LLHT Tập đoàn” thay quy chế cũ. Việc ban hành quy chế mới đã cho phép tiếp tục cải tiến, sắp xếp lại hệ thống quản lý, chăm lo các hội viên hưu trí theo mô hình 3 cấp. Việc sắp xếp lại tổ chức này đã giúp thực hiện tốt hơn công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ hưu trí và nâng cao trách nhiệm của đơn vị đối với các cán bộ, nhân viên đã về nghỉ hưu tại đơn vị mình.
Theo tinh thần này và nhằm tăng cường thêm sự chủ động của đơn vị, từ năm 2016 Tập đoàn không chi trực tiếp các khoản kinh phí hỗ trợ thăm hỏi, việc hiếu, tiền trợ cấp ốm đau, khó khăn… cho các hội viên thông qua Ban LLHT đơn vị mà cho phép các đơn vị chi cho các hội viên theo các quy định trong quy chế của Tập đoàn và đơn vị từ phần Quỹ Tương trợ Dầu khí Tập đoàn đã để lại cho đơn vị sử dụng. Quy chế mới cũng khuyến khích các đơn vị tùy theo khả năng và tình hình hình thực tế của đơn vị, chăm lo thêm về tinh thần và vật chất cho các hội viên hưu trí ngoài các quy định trong các quy chế.
Mặc dù trong những năm qua Tập đoàn và các đơn vị đều gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, sự chăm lo, quan tâm lớn tới các hội viên hưu trí vẫn được duy trì. Nhiều đơn vị đã trích thêm từ các nguồn quỹ của mình để hỗ trợ, chăm lo cho các hội viên hưu trí. Từ năm 2016 Tập đoàn tổ chức thường niên đoàn công tác để làm việc với các đơn vị nhằm trao đổi, đánh giá tình hình thực hiện các quy chế về “tổ chức và hoạt động của Quỹ Tương trợ Dầu khí” và Quy chế về “tổ chức và hoạt động của Ban LLHT Tập đoàn”, đồng thời quyết toán việc sử dụng Quỹ Tương trợ Dầu khí. Qua đợt làm việc, ngoài việc thanh quyết toán, Đoàn công tác đã kiến nghị Tập đoàn tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, kiến nghị để lại hoặc hoàn lại phần trích nộp cho một số đơn vị đặc biệt khó khăn để đơn vị có điều kiện chăm lo, hỗ trợ cho các cán bộ, nhân viên đang làm việc cũng như đã về nghỉ hưu.
Theo quy định, Hội nghị thường niên của Ban LLHT Tập đoàn sẽ họp mỗi năm 2 lần vào đầu và giữa năm để đánh giá tình hình hoạt động, cập nhật thông tin về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị với Tập đoàn những đề xuất, tâm tư, nguyện vọng. Năm nay, Hội nghị thường niên đầu năm được tổ chức vào ngày 14/4 tại Vũng Tàu.
Trước thềm Hội nghị của Ban LLHT Tập đoàn, nhìn lại công tác chăm lo đối với người cao tuổi, cán bộ đã nghỉ hưu, nghỉ chế độ của ngành Dầu khí, có thể thấy nhiều cán bộ hưu trí cảm nhận rằng, chỉ có ngành Dầu khí mới làm được những việc chu đáo, thấm thía đến như vậy. Ban LLHT đã thực sự trở thành cánh tay nối dài của công đoàn trong việc chăm lo cho người lao động.
Cũng khó có thể quên rất nhiều cử chỉ, lời nói tỏ bày sự cảm động, hài lòng từ phía các cán bộ hưu trí đối với lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo công đoàn ngành Dầu khí. Những hỗ trợ vật chất không phải là quan trọng nhất mà chính là nghĩa tình đồng chí, đồng nghiệp, là sự gắn kết khơi dậy động lực và sức mạnh của người Dầu khí, của ngành Dầu khí Việt Nam.