Chưa khi nào, việc hỗ trợ cho người thất nghiệp, lao động bị doanh nghiệp cắt hợp đồng do khó khăn lại trở nên cấp thiết như hiện nay, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh.
Chị Nguyễn Hoài (31 tuổi, quê Vĩnh Long) là công nhân Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) là một trong số các công nhân bị cắt giảm hơn 2.300 lao động từ đầu năm nay. Trước khi bị mất việc, chị cũng nằm trong nhóm công nhân phải nghỉ việc luân phiên do công ty thiếu đơn hàng.
Chị Hoài cho biết, cầm trên tay thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động cùng mấy chục triệu từ các khoản hỗ trợ và bảo hiểm thất nghiệp, chị chưa biết nên bắt đầu lại từ đâu.
Cùng hoàn cảnh như chị Hoài, chị Phạm Thị Huyền (29 tuổi) - trú tại chung cư Ehome3 (Thủ Đức) may mắn nhờ số tiền bảo hiểm sau hơn 10 năm làm việc đã có thể gói gém kinh doanh quán kem dạo vào buổi chiều tại Khu đô thị Đông Tăng Long. Theo chị Huyền, nhiều công nhân tại Công ty Pou Yuen Việt Nam bị mất việc đã trở về quê hoặc đến tìm việc tại các trung tâm giới thiệu việc làm để lấp vào khoảng trống trong thời gian dài nghỉ làm tại nhà.
Để giúp phần nào bớt khó khăn cho người lao động mất việc, thất nghiệp, TPHCM đã vào cuộc sẻ chia. Anh Hoàng Thiên Tân - công nhân Công ty TNHH Lạc Việt tại Khu chế xuất Tân Thuận bị mất việc vừa được MTTQ TPHCM hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt và ở trọ tại thành phố. Anh Tân cho biết, đợt này, mỗi công nhân bị giảm giờ làm sẽ nhận được phần quà là 1 triệu đồng gồm 700 nghìn tiền mặt và quà trị giá 300 nghìn đồng. Nhờ sự quan tâm kịp thời này, giúp các công nhân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, chuyên tâm vào công việc góp phần giúp doanh nghiệp (DN) giữ vững sản xuất, đi qua khó khăn trước mắt.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM đã tính đến nhiều giải pháp để phối hợp hỗ trợ các chi phí cần thiết cho các đối tượng công nhân, người lao động.
Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, thời gian qua, nhiều DN phải giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Tuy nhiên, không ít DN đã phải cắt giảm lao động. Có thời điểm tới 150 DN, kéo theo hơn 50.000 lao động bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, LĐLĐ thành phố đã chủ động phối hợp với các DN đảm bảo quyền lợi cho công nhân, lao động, kết nối lại việc làm phù hợp cho người lao động mất việc.
Ông Trung cũng cho biết, Thành ủy TPHCM chỉ đạo LĐLĐ thành phố tập trung vai trò đại diện để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, hỗ trợ chăm lo, thăm hỏi, động viên họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Để hỗ trợ cấp thiết việc làm cho người lao động mất việc, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng đã tổ chức kết nối, giới thiệu việc làm qua nhiều kênh hỗ trợ, trong đó chỉ riêng tháng 4/2023 đã hỗ trợ hơn 3.000 đầu việc cho công nhân mất việc, với nhiều ngành nghề đa dạng, như dệt may, ủi, thợ phụ, nhân viên kho, giao nhận, thu ngân, bảo vệ, kho sơ chế, với mức thu nhập từ 5-12 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người lao động cũng được tư vấn nghề, cung cấp thông tin thị trường lao động, hướng dẫn thủ tục đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo mưu sinh ở thành phố trong thời gian chờ việc mới.
Theo ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, do bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay nên nhiều DN, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, gỗ, điện tử… vẫn còn gặp khó khăn, bị thiếu, cắt, giảm đơn hàng. Tình trạng này cũng dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình.
Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM đã tổ chức trao quà cho 100 công nhân bị giảm giờ làm (mỗi phần quà 1 triệu đồng gồm 700 nghìn đồng tiền mặt và quà trị giá 300 nghìn đồng gồm các nhu yếu phẩm. Sau chương trình này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM sẽ tiếp tục phối hợp với Mặt trận các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè tổ chức trao quà đến 1.100 công nhân bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, bị mất việc có hoàn cảnh khó khăn.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nắm chắc tình hình việc làm của người lao động để chủ động các giải pháp theo quy định; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng với nội dung vượt thẩm quyền, trước thực tế một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng dẫn đến phải giảm việc làm, cắt giảm lao động.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/5 tới.