Chạm lòng nhân ái vào thiên nhiên

NGUYỄN VĂN HỌC 23/10/2022 09:00

Về miền quê, bất chợt gặp đàn cò trắng rập rờn bay như những dải lụa trắng sẽ thấy lòng bình yên biết bao. Tôi đã gặp nhiều hình ảnh khác nhau về những “ca sĩ thiên nhiên”, khi nơi thì chim chóc được bảo vệ, nơi khác bị tận diệt. Bao giờ nỗi lo lắng cũng nhiều hơn khi con người tàn sát động vật hoang dã, tác động tiêu cực đến thiên nhiên.

Vườn cò xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Những hiệp sĩ

Tôi đã rất nể hiệp sĩ Đặng Đình Quyển, một ông giáo nghèo ở huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã làm nhà cho cò vạc ở suốt hơn 30 năm. Hay cũng thật xúc động khi đến xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) có “người mẹ cò” Vũ Thị Khiêm, suốt 56 năm bảo vệ khu vườn rộng 5 ha để cho hàng vạn con cò có chỗ trú ngụ, sinh con đẻ cái khi hè về. Bà Khiêm vừa bước sang tuổi 80, tóc đã bạc, đôi chân giờ không nhanh như trước. Vậy mà ngày nào bà cũng vài lượt “tuần tra” để bảo vệ cò vạc khỏi bị xâm hại. Điều đáng nói, nhiều người từng gạ mua khu vườn, nhưng bà Khiêm không bán. Bà còn dặn cháu con phải quyết gìn giữ vườn, trồng thêm các loại cây có tuổi thọ cao để làm nhà cho chim chóc trú ngụ.

Người lớn tuổi thì như vậy, trẻ hơn, anh Nguyễn Trọng Hiền ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cũng dày công trồng cây trên đảo giữa hồ nước lớn để làm nhà cho cò vạc. Anh Hiền kể: “Trước đây khu đất cuối phường Đông Vệ này vốn là đầm lầy, chỉ có lau lách mọc um tùm, người dân địa phương quen gọi là đầm Quai Vạc. Năm 1996, gia đình tôi nhận giao khoán hơn 4 ha tại đây để làm mô hình trang trại cá - lúa. Trong những lần cải tạo đất tôi nhận thấy có nhiều cò, vạc bay về nên đã tìm hiểu và được các cụ cao niên cho biết đầm Quai Vạc từng là điểm trú ngụ của rất nhiều loài chim trời, đặc biệt là cò, vạc. Đôi khi có cả chim hạc”.

Năm 1997, gia đình anh Hiền đắp đảo, trồng tre. Chỉ hai năm sau, khi những rặng tre bắt đầu xanh tốt, cò về làm tổ ngày một đông. Đến nay trên đảo có gần 30.000 con và hằng ngày anh vẫn thuê người bảo vệ để bảo đảm đảo cò không bị xâm hại.

Thương cò, chăm sóc bảo vệ cò, nhường đất cho chúng trú ngụ là việc làm hào hiệp mà những người dân Đông Xuyên, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) đang làm. Nằm sát bờ Nam sông Cầu, Đông Xuyên là một làng cổ có bề dày lịch sử và văn hiến. Từ năm 1994, người dân đã huy động tiền và sức đắp thêm đất, trồng thêm tre lấy chỗ cho cò, vạc trú ngụ. Họ cũng tự nguyện hiến 3 mẫu đất ruộng để đào ao, trồng tre phát triển vườn cò. Họ mơ một ngày kia nơi đây sẽ trở thành địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn ven sông Cầu.

Đảo cò tại Khu du lịch sinh thái Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) là mảnh đất được thiên nhiên trời phú phong cảnh hữu tình. Đặc biệt là sự hiện diện của hàng chục nghìn cánh cò, vạc đã giúp nơi này trở thành điểm đến lý tưởng của vùng đồng bằng Hải Dương. Nhưng nhiều năm qua, nạn “cò tặc” tấn công. Rất nhiều cò vạc bị bắt thịt. May thay, chính quyền và người dân nơi đây đã và đang hết lòng bảo vệ cò vạc, bảo vệ khu du lịch sinh thái tuyệt đẹp của địa phương. Nhiều cựu chiến binh, công an xã nghỉ hưu dù không có quyền lợi, nhưng hết lòng đứng ra vì việc chung. Cách đây 5 năm, Đội tự quản bảo vệ đảo cò với 56 thành viên đã được thành lập. Đội được chia làm 3 tổ tự quản gồm: Tổ tự quản dịch vụ trên bờ, Tổ lái đò vận chuyển và Tổ bảo vệ xung quanh khu vực đảo cò với bán kính 3km. Từ khi công tác bảo vệ được tăng cường, số lượng cò, vạc, hạc… trên đảo ngày càng đông hơn với khoảng 18.000-19.000 con.

Tuần tra bảo vệ đảo cò Chi Lăng Nam (Hải Dương).

Còn đó nỗi hoang mang

Ở nhiều tỉnh, thành phố khác vẫn có những tấm gương, những người hết lòng bảo vệ thiên nhiên, chim chóc, gửi tấm lòng nhân ái đến “ca sĩ bầu trời”. Nhưng như thế vẫn chẳng thấm tháp gì so với số người đi bẫy, săn bắt chim. Số người bảo vệ chim trời vẫn quá ít và trên đường đi kiếm ăn chúng có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Quán nhậu mọc lên khắp nơi và rất nhiều nơi treo biển “đặc sản chim trời”. Có những chợ bán chim rất lớn, như tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An), vẫn còn tồn tại một khu chợ nông sản mà địa phương đang tìm cách dẹp. Tiếng là chợ nông sản nhưng tại đây lại bày bán nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loại chim trời. Càng những tháng cuối năm, thịt chim trời càng đắt đỏ, song vẫn hấp dẫn dân nhậu. Ở nhiều vùng quê vẫn có những gã hành nghề săn chim rất chuyên nghiệp. Họ giăng những cái bẫy lạnh lùng và ác độc khắp nơi.

Đã một thời gian dài, ở trên vỉa hè, phố phường Hà Nội người ta bắt gặp những người bán chim trời với hàng trăm chú chim bị vặt trụi lông rất tội nghiệp. Thôi thì đủ loại chim, được những gã săn bẫy, rồi lái buôn thu mua về, mang lên phố làm món hàng cho dân nhậu. Một thời gian, dư luận bất bình, việc làm độc ác như thế bị cấm trên phố. Người ta lại chuyển về bán ở những nơi khuất hơn.

Loài và số lượng chim trời bị thu hẹp dần, có những loài đã thật sự biến mất. Có ai nghe tiếng chim trời da diết kêu cứu?

Điều khiến những người yêu thiên nhiên xúc động

Chính trên những con phố ở Hà Nội vẫn có người yêu quý chim trời, coi chúng như bạn, thậm chí còn bỏ tiền mua thức ăn để nuôi. Trên phố Quán Sứ có bà Kính, người đã bảo vệ, vãi thóc cho chim ăn từ năm 1973 đến khi bà không thể đi lại được nữa. Đàn chim sẻ thường bay về tíu tít trước cửa nhà, bà cho chúng ăn, coi chúng như những đứa cháu tội nghiệp. Lũ chim thường đậu đầy trên mái nhà, đậu trên cả những cây cổ thụ và lúc nào thấy bóng dáng bà bước ra sân là chúng lại sà xuống. Tại ngã tư Bà Triệu - Tô Hiến Thành cũng có bà Tim bán nước chè, suốt hơn 20 năm qua hàng nước nhỏ bé của bà Tim, rồi sau đó là con gái vẫn tồn tại và bình dị như thế. Ngày nào bà cũng bầy nước rất sớm và dọn hàng rất muộn để tiếp đón những vị khách bình dân.

Bà Tim từng kể, một ngày từ cách đây 20 năm, đang ngồi bán nước thì tự nhiên có mấy chú chim sẻ sà xuống, nhảy lích chích trước mặt tìm mồi. Sẵn có ít bỏng ngô vụn, bà vãi ra cho chúng. Không hề sợ hãi, chúng liền mải mê nhặt, ăn cho bằng hết. Hôm sau, lũ chim lại tìm đến và bà Tim đã gói một ít gạo, thế là bà “khao” cả lũ. Chúng vui sướng lắm. Cái cơ duyên của bà chỉ có thế. Lũ chim như nhận ra sự gần gũi, trái tim nhân hậu của bà nên yên tâm đến gần bà mỗi khi được cho ăn. Bà Tim quê ở một miền quê nghèo ngoại ô Hà Nội. Cho đến bây giờ, bà vẫn sống một mình. Với tình yêu và sự chăm sóc của bà, những con chim bay nhảy trên những ngọn cây, hót líu lo và rủ thêm bạn về ngày một đông hơn.

Chúng ta có quyền mưu sinh và chẳng hà cớ gì tước đi quyền bảo vệ thiên nhiên. Bảo vệ thiên nhiên, gửi lòng nhân ái bao nhiêu thì cuộc sống này sẽ giảm bớt thiên tai bấy nhiêu. Gần thiên nhiên, che chở cho những chú chim, những vẻ đẹp giản dị của cuộc sống chính là bảo vệ cho niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống của chúng ta được trọn vẹn hơn.

Một đối tượng săn bắt cò bị ngăn chặn.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chạm lòng nhân ái vào thiên nhiên