Các địa phương trên cả nước đã bắt đầu thực hiện công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1. Với môn Ngữ văn, Bộ GDĐT đã công bố đáp án - thang điểm của đề thi để thí sinh tham khảo, đối chiếu.
Biểu điểm thoáng?
Căn cứ trên đáp án và thang điểm của đề thi Bộ GDĐT đã công bố, nhiều ý kiến cho rằng năm nay đáp án có phần thoáng hơn so với mọi năm. Cụ thể, ở phần đọc hiểu, câu 1 và 2, thí sinh chỉ cần chép lại nguyên văn trong văn bản là đạt trọn vẹn điểm. Tuy nhiên, sẽ có tình huống thí sinh chỉ trả lời được 1 câu hỏi thì cho điểm thế nào? Hoặc thay vì chép nguyên văn bản trong bài, các em diễn đạt lại theo ý hiểu của mình thì cho điểm ra sao.
Một giáo viên Ngữ văn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, đáp án của câu 3 phần đọc hiểu mới dừng lại ở việc chỉ ra các từ khóa thí sinh cần đưa vào bài, vốn đã rõ nghĩa mà chưa nhấn mạnh đến những bài làm có lý luận sắc bén, luận điểm thuyết phục để chấm điểm tối đa. Nếu chỉ đưa ra được từ khóa thì có chấm điểm tối đa hay không?
Nguyên tắc là không đếm ý cho điểm mà muốn đạt điểm tối đa, thí sinh cần có hành văn trôi chảy, mạch lạc và thuyết phục được ban giám khảo. Ngược lại, nếu chỉ chép đúng văn bản ra thì chỉ “chống liệt” chứ không thể đạt điểm tối đa.
Chia sẻ quan điểm này, thầy Phan Văn Đông, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bình Chánh (H.Bình Chánh, TPHCM) cho rằng một bài văn đạt điểm cao từ 8, 9 điểm trở lên không chỉ viết đủ ý, đúng, trúng trọng tâm mà phải thể hiện được góc nhìn cá nhân. Đơn cử, để làm tốt phần đọc hiểu, ngoài những kỹ năng đọc hiểu thông thường, các em còn cần hiểu về quy luật của tự nhiên, của lẽ sống, nước thì tạo thành ra sao, sông được tạo thành thế nào, sông đổ ra biển ra sao, ý nghĩa của nước, sông, của biển với cuộc sống của con người…
Trước đó, trả lời báo chí ngay sau khi kỳ thi kết thúc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, bên cạnh biểu điểm chi tiết, các giáo viên trước khi bắt tay vào chấm thi cũng có thống nhất giữa các thành viên trong ban chấm thi nên về cơ bản, nếu cán bộ chấm thi thực hiện theo đúng hướng dẫn là đảm bảo công bằng và không có sự chênh lệch.
Xử lý 2-3 vòng nếu điểm bài thi có độ “vênh”
Theo quy định của Bộ GDĐT, việc chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn sẽ theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Ban Thư ký Hội đồng thi giao túi bài thi đã làm phách và phiếu chấm cho Trưởng môn chấm thi.
Trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi (CBCT) để quán triệt Quy chế thi, thảo luận Hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận để rút kinh nghiệm, thống nhất cách áp dụng hướng dẫn chấm. Sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm thi riêng biệt. Việc giao túi bài thi cho CBCT được thực hiện theo hình thức bốc thăm bằng phiếu.
Quy trình chấm lần chấm thứ nhất: Trưởng môn chấm thi tổ chức bốc thăm nguyên túi cho CBCT, giao riêng cho từng người. Trước khi chấm, CBCT kiểm tra từng bài đảm bảo đủ số tờ, số phách và gạch chéo tất cả những phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết trên tờ giấy làm bài thi, không chấm những bài làm trên giấy khác với giấy dùng cho kỳ thi.
Trong trường hợp phát hiện bài làm không đủ số tờ, số phách; bài làm trên giấy nháp; bài làm trên giấy khác với giấy dùng cho kỳ thi; bài làm có chữ viết của hai người, viết bằng hai màu mực khác nhau trở lên, viết bằng mực đỏ, bút chì hoặc có viết, vẽ những nội dung không liên quan nội dung thi; bài làm nhàu nát hoặc nghi vấn có đánh dấu, CBCT có trách nhiệm báo cáo và giao những bài thi này cho Tổ trưởng Chấm thi trình Trưởng môn chấm thi xử lý.
Quy trình chấm lần chấm thứ hai: Sau khi chấm lần thứ nhất, thành viên Ban Thư ký Hội đồng thi rút các phiếu chấm thi ra rồi giao túi bài thi cho Trưởng môn chấm thi để tổ chức bốc thăm cho người chấm lần thứ hai, đảm bảo không giao trở lại túi bài thi đã chấm cho chính người đã chấm lần thứ nhất.
Với quy trình chặt chẽ cùng nhiều “hàng rào kỹ thuật” như đã đề cập, đại diện Bộ GDĐT tin tưởng việc chấm thi theo quy trình chặt chẽ sẽ khó xảy ra gian lận và hạn chế tối đa sai sót xảy ra.