Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 được Bộ Xây dựng trình Chính phủ đề cập đến nhiều khó khăn vướng mắc về pháp lý đã và đang tồn tại cần được tháo gỡ, cùng việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động khoảng hơn 1,1 triệu tỷ đồng để thực hiện. Tới nay, dù được kỳ vọng nhưng nhà ở xã hội vẫn là giấc mơ xa vời của người lao động thu nhập thấp.
N hiều năm qua, giá nhà đất, căn hộ chung cư liên tục tăng, kể cả trong lúc giao dịch trầm lắng thì giá cũng không chịu hạ. Một nghiên cứu cho rằng, với mức thu nhập như hiện nay, một người lao động muốn sở hữu một căn hộ trung bình thì phải mất tới trên dưới 40 năm tích lũy. Trong bối cảnh đó, nhà ở xã hội được cho là cứu cánh đối với người thu nhập trung bình. Và tất nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc vào tốc độ xây dựng nhà ở xã hội ra sao.
Để thực hiện một dự án nhà ở xã hội suôn sẻ thì ít nhất cần 3 “chủ thể”: Doanh nghiệp xây dựng tham gia dự án (đầu tư) - Chính quyền địa phương (thủ tục, giải phóng mặt bằng) - Doanh nghiệp khu công nghiệp (dành quỹ đất xây nhà cho công nhân).
Trước hết, về phía doanh nghiệp. Nói như ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cát Tường thì các doanh nghiệp quan tâm đến các dự án nhà ở xã hội đang chờ đợi việc thay đổi chính sách mới xác định được hướng đi tiếp theo.
Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp vẫn “nhìn trước ngó sau” mà chưa thực sự vào cuộc. Cho tới nay, cả nước mới hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ. Gần 400 dự án với quy mô khoảng 375.000 căn hộ được cho là đang được triển khai. Tiến độ phát triển nhà ở xã hội thời gian qua là rất chậm.
Về phía chính quyền địa phương, theo Bộ Xây dựng, rất ít nơi quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương. Nhiều địa phương không tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án kéo dài.
Còn về phía doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp hầu như không quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.
Vậy là cả 3 “chủ thể” liên quan đều “có vấn đề”, dẫn đến chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Nhưng chưa hết, một câu hỏi nữa được đặt ra: Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, không có vốn, doanh nghiệp lấy gì để xây? Thực tế, nếu các doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thì các dự án nhà ở xã hội cũng khó lòng triển khai. Đây là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp coi là một nút thắt, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng mà khó khăn với cả người đi mua, thuê nhà ở xã hội.
Những năm qua, các đô thị phình to, thu hút rất nhiều người tới làm ăn sinh sống. Họ rất cần có chỗ ở. Không có tiền mua nhà lại càng không có nhà giá rẻ để mua nên phần lớn trong số họ phải thuê chỗ ở trong những dãy nhà trọ rất tam bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Mơ ước có một căn hộ bình dân của người lao động ngày một lớn lên nhưng thực tế thì giấc mơ ấy ngày càng xa vời.
Chia sẻ khó khăn với người lao động, Chính phủ quyết tâm đến năm 2030 sẽ xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Ngày 10/8/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 242 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến (ngày 1/8/2022) thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Chính phủ chỉ rõ 4 nhóm tồn tại, khó khăn cần tập trung khắc phục để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, bao gồm: Cơ chế, chính sách còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; Chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội, các chính sách chưa thực tế để thu hút nhà đầu tư; Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội; Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.
Thủ tướng chỉ rõ, phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố phải xác định việc phát triển nhà ở xã hội, là một nhiệm vụ chính trị, trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân.
Tới nay, những nút thắt kìm hãm tốc độ xây dựng nhà ở xã hội đã bộc lộ rõ. Vấn đề là có tích cực gỡ những nút thắt ấy hay không. Thật đáng tiếc khi càng chần chừ thì giấc mơ an cư của người lao động càng lùi xa...