Trước những biến tướng của dạy thêm, học thêm khiến dư luận bức xúc, nhiều địa phương đã ban hành các văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng này.
Mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phú Thọ vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị giáo dục công khai kế hoạch dạy thêm, học thêm và thu, chi tiền dạy thêm của cơ sở trên trang thông tin của đơn vị hoặc các cuộc họp phụ huynh học sinh.
Theo đó, Sở yêu cầu không được cắt xén chương trình để dạy thêm, học thêm. Đối với tổ chức dạy thêm trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh, đồng thuận của phụ huynh học sinh; nghiêm cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Hoạt động dạy thêm học thêm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, có chất lượng và hiệu quả. Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm quản lý cán bộ, giáo viên của đơn vị dạy thêm ngoài nhà trường theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, giáo viên đơn vị mình tham gia dạy thêm trong, ngoài nhà trường theo quy định về dạy thêm học thêm và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tại Bình Thuận, UBND TP Phan Thiết đã ban hành công văn yêu cầu, Phòng GDĐT chủ trì, chịu trách nhiệm về công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác kiểm tra chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Đồng thời chỉ đạo các trường học thuộc thành phố xây dựng kết hoạch dạy học, kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục, ngoài giờ lên lớp, hoạt động tự học, qua đó giúp học sinh được phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Đối với hiệu trưởng các trường học, việc tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường sau khi thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục… theo quy định. Đối với UBND các phường, xã, phối hợp với Phòng GDĐT tăng cường kiểm tra, xử lý việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định trên địa bàn quản lý. Rà soát, kiểm tra các địa điểm cho thuê tổ chức dạy thêm, học thêm…
Tỉnh Thái Bình yêu cầu Phòng GDĐT chủ trì, tham mưu, tổ chức thực hiện, tránh tình trạng không kiểm tra thường xuyên để xảy ra vi phạm. Lên kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Thời gian qua, không ít người dân phản ánh về tình trạng giáo viên các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường vẫn còn tiếp diễn dù ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, lưu ý, nhắc nhở. Đơn cử, UBND phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TPHCM) vừa qua đã kiểm tra và phát hiện 7 cơ sở dạy thêm, học thêm chưa có giấy phép đúng quy định. Việc quản lý việc dạy thêm học thêm ở các địa phương thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập do thiếu hành lang pháp lý. Hiện Thông tư số 17/2012 của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm trải qua 12 năm đã bộc lộ những vấn đề không còn phù hợp, cần điều chỉnh. Cụ thể, Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm mới quy định chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi... Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, quan điểm của Bộ GDĐT là không cấm giáo viên dạy thêm khi các em và phụ huynh thực sự mong muốn, có nhu cầu. Thầy cô được đàng hoàng dạy học sinh của mình ngoài nhà trường nhưng đó phải là nguyện vọng thực sự của hai bên, tuyệt đối không được ép buộc.
Dự thảo loại bỏ các thủ tục hình thức, như giáo viên cần xin phép hiệu trưởng để được dạy học sinh của mình như quy định hiện hành. Thay vào đó, thầy cô có thể dạy, nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức. Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, chỉ đạo quyết liệt của các địa phương là cần thiết trong bối cảnh ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng tình trạng này vẫn chưa thuyên giảm, gây bức xúc trong dư luận. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đã được nhiều địa phương nhấn mạnh có thể coi là một trong những giải pháp quan trọng để dạy thêm, học thêm không bị biến tướng.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải có những điều chỉnh đồng bộ từ phía chương trình, thi cử giảm tải, bớt nặng nề. Tâm lý phụ huynh học sinh trọng bằng cấp dẫn đến ép buộc con mình quá mức về việc học.