Lợi dụng kẽ hở trong quản lý, loại hình kinh doanh đa cấp liên tục biến tướng theo chiều hướng tiêu cực, phức tạp. Nhiều giải pháp đã được nhà quản lý đưa ra nhằm ngăn chặn hoạt động đa cấp bất chính. Các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bắt buộc phải có giấy phép hoạt động do Bộ Công thương cấp. Như vậy, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà chưa được Bộ Công thương cấp phép đều là hoạt động bất hợp pháp.
Thất nghiệp từ cuối năm 2022, sang đầu năm 2023 chị N.T.H ( Ba Đình- Hà Nội) vẫn không xin được việc, chị mở quán hàng ăn vặt và đồ ăn sẵn online. Có năng khiếu nấu ăn nên chỉ sau 3 tháng mở hàng, trang bán hàng online của chị đã đạt mức hơn 200.000 người theo dõi. Trung bình mỗi ngày chị có từ 100 - 150 đơn đặt hàng. Tuy vất vả nhưng cũng mỗi tháng trừ chi phí chị cũng kiếm được từ 30 - 40 triệu đồng từ bán hàng online.
“Bẫy đa cấp” đến từ chính người thân
Công việc đang ổn định, trong một lần được người thân rủ đi họp theo hình thức “ngồi họp không cũng có tiền” (mỗi lần đi họp được bao ăn và được trả 500.000 đồng/buổi). Chị H. thấy nếu mỗi chỉ bán hàng ăn thì vừa vất vả lợi nhuận không được bao nhiêu. Trong khi đó, công ty chị tham gia học tập huấn có rất nhiều dòng sản phẩm chất lượng mà giá chiết khấu lên tới 60% thậm chí 70%.
Nhận thấy cửa hàng online mình là nơi tiềm năng để quảng bá và bán sản phẩm, ngay tháng đầu tham gia chị nhập 200 triệu đồng tiền hàng. Để hiểu về sản phẩm mình bán, chị được công ty cho đi tập huấn ở một khách sạn hạng sang tại Đà Nẵng.
Sau 2 tuần tập huấn, chị rút sổ tiết kiệm và vay thêm bạn bè nhập hàng để được thăng chức giám đốc khu vực. Bỏ ra 5 tỷ đồng đặt hàng, ngoài sản phẩm chị được công ty giao cho quản lý đội nhóm, kênh bán lẻ với số lượng người gần 100 người. Đội nhóm này được công ty quảng cáo đều là những thủ lĩnh, quán quân bán hàng và chỉ dành cho những lãnh đạo tiềm năng. Tuy nhiên khi xuống tiền ôm hàng một thời gian chị H. mới vỡ mộng làm giàu và tá hỏa biết mình bị đưa vào bẫy lừa. Đội nhóm đúng đủ 100 người nhưng đây đều là những người như chị, chỉ khác số tiền bỏ ra ôm hàng ít hơn chị (chỉ từ vài trăm đến vài triệu đồng).
Nhìn đống hàng cao ngất để trong kho cùng số nợ tăng dần theo ngày, chị H. cũng chỉ biết ngậm ngùi quay trở lại việc bếp núc bán hàng trả nợ.
Câu chuyện như của chị N.T.H là khá nhiều, thậm chí có nhiều người đã phải chọn giải pháp tiêu cực khi số nợ ôm hàng vượt mức chi trả. Tuy nhiên biến tướng từ đa cấp vẫn ngày càng phát triển và trở nên đáng báo động. Đặc biệt là ở những làng quê nhiều người tuổi đã cao nhưng vẫn tham gia vào bán hàng, tư vấn đa cấp.
Theo báo cáo của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, hiện cả nước có 20 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với tổng doanh thu năm 2022 đạt khoảng 21.000 tỷ đồng; nộp ngân sách 2.400 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người trên khắp cả nước. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý, nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức đa cấp bất chính, không được cấp phép cố tình lừa đảo người tiêu dùng. Điều này gây bức xúc dư luận, mất lòng tin của xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, quyền lợi của doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp chân chính, đúng luật.
Chia sẻ về hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam, ông Phạm Văn Cao - đại diện Ban Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Ủy ban cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) cho biết, bán hàng đa cấp bất hợp pháp gồm 2 hình thức: trả thưởng theo mô hình đa cấp và có giấy phép bán hàng đa cấp nhưng hoạt động bất chính. Cả hai hình thức này đều có sự khác nhau nhất định về quy mô, cách vận hành, tuy nhiên đều có một số điểm chung như: yêu cầu trả tiền cho việc tuyển dụng, nói quá về cơ hội làm giàu hoặc công dụng sản phẩm, phải đặt cọc tiền khi tham gia. Đây là các dấu hiệu tiêu biểu mà mỗi cá nhân cần cảnh giác để không rơi vào "bẫy đã cấp".
Theo ông Cao, có rất nhiều "bẫy đa cấp" đến từ chính những người thân, bạn bè xung quanh chúng ta. “Từ việc mất cảnh giác, chúng ta vội vàng tham gia và hậu quả để lại chính là mất thời gian, tiền bạc, công sức hay thậm chí là nhiều mối quan hệ quý giá” - ông Cao nói.
Cách nào hạn chế?
Bà Hoàng Thị Thu Trang - chuyên viên Ban Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc Ủy Ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, theo quy định, các DN kinh doanh theo phương thức đa cấp trên lãnh thổ Việt Nam bắt buộc phải xin giấy phép hoạt động do Bộ Công thương cấp. Như vậy, tất cả các DN kinh doanh theo phương thức đa cấp mà chưa được Bộ Công thương cấp phép đều được coi là hoạt động bất hợp pháp.
Bà Trang cũng cho biết, hiện chỉ có 20 DN kinh doanh đa cấp được Bộ Công thương cấp giấy phép hoạt động và danh tính của 20 DN này luôn được niêm yết công khai tại Cổng thông tin của Ủy Ban Cạnh tranh quốc gia và trên Website của Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam.
Hiện tượng lợi dụng lòng tin của người tham gia đa cấp để lừa đảo đã liên tục diễn ra gây tác hại lớn cho nền kinh tế và bức xúc trong nhân dân. Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng này, chỉ tính riêng trong năm 2023, Bộ Công thương đã kiểm tra đối với 6 DN bán hàng đa cấp, xử phạt hành chính đối với 6 DN và 1 người tham gia vi phạm với tổng số tiền phạt 1 tỷ 290 triệu đồng; đồng thời, tiếp nhận và xử lý trên 140 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tổng Thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam Võ Đại Mạch cũng cho biết, trên thị trường hiện nay tồn tại nhiều DN hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, sử dụng sản phẩm hàng hóa không đảm bảo chất lượng là công cụ để thực hiện hoạt động bất chính. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn đang đánh đồng DN được cấp phép, tuân thủ pháp luật tốt với DN làm ăn có dấu hiệu lừa đảo, chụp giật… ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung cũng như gây ra nhiều định kiến xã hội không tốt cho ngành.
TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, cần minh bạch khái niệm đa cấp theo hướng dễ nhận diện để DN, người dân cùng hiểu. DN cần minh bạch thông tin, giá bán cuối cùng của sản phẩm. Để chống những hình thức kinh doanh đa cấp trá hình, không thể chỉ dựa cơ quan quản lý, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cần phát huy hiệu quả hơn vai trò bảo vệ lợi ích của DN kinh doanh chân chính, phát hiện DN có hành vi trục lợi để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý; đồng thời tăng cường hợp tác với các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị để cảnh báo, ngăn chặn và tăng cường tuyên truyền.
Đồng tình, đại diện Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cũng cho rằng, cần có sự phối hợp giữa Hiệp hội với các cơ quan chức năng để nhận diện, thông báo, phát hiện, xử lý các vi phạm trong kinh doanh sản phẩm đa cấp chưa được cấp phép đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và bền vững cho DN chân chính, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm và trục lợi.
“Tính liên kết, liên thông và phối hợp cung cấp thông tin chưa hiệu quả nên đôi khi người dân chưa có sự phân biệt doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh với các DN làm ăn bất hợp pháp, trục lợi” - ông Mạch nhấn mạnh.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Trí Long khẳng định, muốn nhận diện, ngăn chặn và đẩy lùi kinh doanh đa cấp bất chính để có một môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh, minh bạch thì không chỉ DN minh bạch rõ ràng mà trước hết cơ quan quản lý cũng phải rõ ràng, minh bạch. Vai trò tuyên truyền, định hướng, phát hiện và xử lý của cơ quan quản lý và thực thi là vô cùng quan trọng. Nếu mọi người dân được tuyên truyền, hướng dẫn để có kiến thức và nhận biết tốt về hoạt dộng kinh doanh đa cấp thì lo gì chúng ta không đẩy lùi được đa cấp bất chính.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, do các quy định và chế tài quản lý còn nhiều kẽ hở nên loại hình kinh doanh đa cấp đã phát triển và biến tướng theo một chiều hướng rất xấu. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tính hợp pháp của mô hình kinh doanh này để trục lợi, làm trái các quy định của pháp luật Việt Nam và lôi kéo nhiều người dân tham gia. Hiện tượng lợi dụng lòng tin của người tham gia đa cấp để lừa đảo đã liên tục diễn ra gây tác hại lớn cho nền kinh tế và bức xúc trong nhân dân. Để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, tạo sự minh bạch và bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, cần nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính.