Tại Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế là một lĩnh vực mới, hiện có vai trò nhiều trong chẩn đoán bệnh, từ đó giúp cho việc đưa ra các quyết định điều trị chính xác, kịp thời, hiệu quả.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, toàn cầu sẽ thiếu khoảng 18 triệu nhân viên y tế. Vì thế việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác khám chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh không chỉ cho kết quả chính xác cùng các phân tích dữ liệu nhanh nhạy mà còn giúp bác sĩ giảm tải được nhiều công đoạn trong công việc.
Những thông tin này vừa được các chuyên gia hàng đầu về chẩn đoán hình ảnh chia sẻ tại Hội nghị thường niên lần thứ 25 của Hội Điện quang và Y học hạt nhân, diễn ra cuối tuần qua tại Đà Nẵng. Theo GS.TS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, trong y tế, chẩn đoán hình ảnh là lĩnh vực hàng đầu ứng dụng AI. Việc ứng dụng phần mềm AI giúp việc chẩn đoán nhanh hơn, kết quả chính xác hơn. Trong tương lai gần, AI sẽ đi vào ứng dụng nhiều trong chẩn đoán hình ảnh, giúp giảm tải cho y bác sĩ vì lượng bệnh nhân rất nhiều, nếu không có AI việc đọc kết quả của bác sĩ sẽ rất mất thời gian. Như vậy, AI là một công cụ hữu ích hỗ trợ các bác sĩ trong lĩnh vực chẩn đoán, có thể giúp phát hiện các tổn thương rất nhỏ.
Hiện nay, các công nghệ chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ AI đang được phát triển như một công cụ tiên lượng, giúp các bác sĩ dự đoán những ca bệnh cần điều trị, ngay cả khi triệu chứng bệnh chưa biểu hiện ra. Can thiệp sớm hơn có thể giúp bệnh nhân sống lâu hơn, tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn, giảm chi phí chăm sóc cho gia đình và xã hội.
BS Hà Thúc Nhân - đại diện GE HealthCare và là thành viên của Hội điện quang và y học hạt nhân chia sẻ: Chẳng hạn với bệnh ung thư gan, việc ứng dụng AI trong chẩn đoán có thể giúp dự báo nguy cơ ung thư của một người bị bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan… là bao nhiêu phần trăm. Điều này có được thông qua tổng hợp các phương tiện như xét nghiệm lâm sàng, chụp cộng hưởng từ…, từ đó, các bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị tích cực để giảm nguy cơ đó. Đây là điểm quan trọng giúp ngăn chặn từ xa các ca bệnh tiến triển sang giai đoạn nguy hiểm nhất là ung thư gan. Cũng theo BS Nhân, AI cũng có thể hỗ trợ bác sĩ xem cùng là bệnh gan nhiễm mỡ nhưng sau một thời gian can thiệp tình trạng này đang tiến triển tốt hơn hay xấu đi thông qua việc định lượng phần trăm mỡ trong tế bào.
Theo GE HealthCare Việt Nam, tại Việt Nam, mỗi ngày có hàng triệu bản in kết quả về chẩn đoán hình ảnh. Khi được ứng dụng, AI với khả năng đọc, phân tích dữ liệu sẽ giúp các bác sĩ có được kết quả chọn lọc nhất, thay vì phải xử lý khối lượng lớn các hình ảnh của từng ca bệnh. Các công nghệ chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ AI đang được phát triển như một công cụ tiên lượng, giúp các bác sĩ dự đoán những ca bệnh cần điều trị, ngay cả khi triệu chứng bệnh chưa biểu hiện ra.
Từ năm 2023, nhiều bệnh viện tại Việt Nam đã và đang quan tâm tới ứng dụng AI để hỗ trợ khám, chữa bệnh như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K, Bệnh viện 199 (Bộ Công an)… PGS.TS Lê Mạnh Cường - Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam) cho hay, Bệnh viện cũng đang cập nhật Al, robot trong điều trị các bệnh cơ xương khớp, phục hồi chức năng, kết hợp với giải pháp y học cổ truyền. Trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, phục hồi chức năng rất quan trọng. Với sự phát triển của y học, AI và robot đang được ứng dụng trong điều trị bệnh cơ xương khớp nói riêng, phục hồi chức năng nói chung khá rộng, từ những chức năng nhỏ như bàn chân, bàn tay, đau vai gáy, cột sống, thoát vị đĩa đệm, các vấn đề sau đột quỵ như liệt nửa người, yếu chi…