Sau một thời gian tích cực điều tra vụ đánh bom đẫm máu xảy ra tại trung tâm thủ đô Bangkok hồi tháng 8 vừa qua, cảnh sát Thái Lan đã chính thức xác nhận Adem Karadag là nghi phạm áo vàng, bị camera CCTV ghi hình, đã đặt chiếc túi đen có chứa bom tại đền thờ Erawan.
Kẻ gây ra vụ đánh bom đền Erawan được cảnh sát Thái Lan xác nhận là
Adem Karadag, mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP).
Theo tuyên bố của cảnh sát Thái Lan, nghi phạm đầu tiên mà họ bắt giữ trong quá trình điều tra vụ đánh bom ở Bangkok hóa ra lại chính là kẻ đã đặt thiết bị nổ ở khu vực đền Erawan trong thời điểm đông người qua lại, khiến 20 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Nghi phạm áo vàng này được xác nhận là Adem Karadag, 28 tuổi, bị bắt giữ hồi tháng trước ở khu vực ngoại ô thủ đô Bangkok sau khi cảnh sát nói rằng đã tìm thấy một loạt hộ chiếu giả cùng vật liệu chế tạo bom tại nhà riêng của kẻ này. Vào thời điểm đó, chính quyền Thái Lan cũng công bố một bức ảnh trên hộ chiếu của hắn, và chỉ rõ rằng kẻ này mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ.
“Kẻ này đã nhận tội rồi” – Người phát ngôn cảnh sát Thái Lan Prawut Thawornsiri cho hay – “Tất cả thông tin mà chúng tôi có được đều dẫn tới hắn”.
Karadag từng bị nghi là nghi phạm mặc chiếc áo phông màu vàng, từng bị camera CCTV ghi hình khi đang mang theo một chiếc ba lô màu đen nghi có chứa bom. Nghi phạm này sau đó bỏ chiếc ba lô lại khu vực gần hiện trường vụ nổ, bên cạnh một chiếc ghế băng, trong hôm 17-8, chỉ ít phút trước khi xảy ra vụ nổ đẫm máu.
Theo phía cảnh sát, Karadag sau đó tìm cách tẩu thoát nhanh khỏi hiện trường bằng một chiếc xe máy, đến một khu vệ sinh công cộng ở công viên Lumpini ở thủ đô Bangkok để thay đổi trang phục. Kẻ này hiện phải đối mặt với 8 cáo buộc, trong đó có tội danh giết người có tổ chức.
Sáng 26-9, cảnh sát Thái Lan đã dẫn giải Karadag đến một phiên tòa xét xử với tội danh đánh bom đền thờ Erawan ở quận Chidlom, trung tâm thủ đô Bangkok. Luật sư của Karadag, ông Chuchart Kanphai, trước đó cho biết thân chủ của ông sinh ra ở Trung Quốc nhưng sau đó chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống từ năm 2004. Karadag tới Thái Lan vào ngày 21/8, tức 4 ngày sau khi đã xảy ra vụ đánh bom đẫm máu.
Theo vị luật sư này, tên đầy đủ của nghi phạm đánh bom là Bilal Mohammed, dù chính quyền Thái Lan vẫn gọi kẻ này là Karadag.
Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của cảnh sát hôm qua dường như lại mâu thuẫn với thông tin mà cảnh sát Malaysia cung cấp trước đó. Vài ngày trước, cảnh sát Malaysia thông báo đã bắt giữ 8 người, một vài trong số đó bị nghi thuộc một mạng lưới buôn người, mà họ nói là có thể đã trợ giúp kẻ đánh bom áo vàng trốn khỏi Thái Lan qua khu vực biên giới với Malaysia.
Phía cảnh sát Thái Lan hiện cũng đang chịu nhiều chỉ trích khi từng đưa ra nhiều thông tin trái ngược về quá trình điều tra và bắt giữ các nghi phạm vụ đánh bom, mà mới đây nhất là bị chỉ trích vì tự thưởng cho chính mình khoản tiền 3 triệu baht (84.000 USD) vì thực hiện được nhiều vụ bắt giữ. Ngoài nghi phạm Karadag, cảnh sát Thái Lan cũng từng bắt giữ một nghi phạm khác có tên Yusufu Mierili, bị buộc tội đã cung cấp vật liệu nổ cho Karadag tại một trạm xe lửa.
Cũng trong ngày 25-9, tòa án quân sự Thái Lan đã đưa ra lệnh bắt giữ 17 người khác, trong số đó có 3 người được cho là thành viên của một mạng lưới khủng bố có trách nhiệm liên quan tới vụ đánh bom đền Erawan. Đây cũng là lần đầu tiên mà 3 nghi phạm này bị nêu tên trước công chúng.
2 trong số 3 nghi phạm – Ali Noor và Manu Muhammad Ismail – bị liệt vào diện nghi phạm do đã mua thẻ SIM điện thoại từng được sử dụng trong máy điện thoại di động kích nổ trái bom. Nghi phạm còn lại bị bắt giữ do bị tình nghi là kẻ đã gây ra vụ đánh bom tại một bến tàu ở thủ đô Bangkok, ở thời điểm sau khi xảy ra vụ đánh bom đền Erawan.
Các nghi phạm này đều bị cáo buộc tội danh giết người có tổ chức và chế tạo thiết bị nổ khiến nhiều người thiệt mạng, bị thương và hư hại tài sản công. Nếu bị kết án, các nghi phạm có khả năng sẽ phải đối mặt với án tử hình, ông Prawut cho hay.
Đền Erawan, nằm ở khu vực ngã tư đông dân cư và gần một trung tâm mua sắm sầm uất của thủ đô Bangkok.