Chặn đứng tín dụng đen

Nam Việt 26/08/2023 07:27

Ngày 24/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động “tín dụng đen”; xử lý nghiêm hoạt động “tín dụng đen”.

Lâu nay, mặc dù đã có nhiều chỉ đạo nhưng hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn ra, núp bóng dưới nhiều hình thức. Có đường dây “tín dụng đen” bị bóc dỡ mà lãi suất lên tới hơn 1.000%/năm, trong khi quy định của pháp luật là 20%. Biết bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình đã khốn khổ vì phải vay nặng lãi; an ninh trật tự xã hội nhiều địa phương xáo trộn vì những thủ đoạn siết nợ tàn độc của những nhóm đòi nợ thuê “xã hội đen”.

Đáng chú ý, để tránh bị pháp luật trừng trị, hoạt động “tín dụng đen” đã biến tướng, rõ nhất là việc núp bóng các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, app tín dụng. Từ đó người dân cũng khó phân biệt được thật giả nên vẫn bị “sập bẫy”. Thông tin tại Hội thảo "Tài chính Tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế", ngày 18/10/2022, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức, cho biết: cùng có tên là “công ty tài chính” thế nhưng Việt Nam mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc... Như vậy, hàng nghìn cửa hàng cầm đồ, các ứng dụng, các cá nhân tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” hoạt động cho vay không phải là công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hoạt động/thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang bị hiểu nhầm/đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh khi đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay. Còn theo đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Theo quy định pháp luật, bất kỳ tổ chức nào không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” đều vi phạm. Tuy nhiên, người vay tiền gấp thường không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng.

Mới đây, thông tin từ Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, công an thành phố đã phát hiện, xử lý 133 vụ việc, 206 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời, 27 ứng dụng cho vay tín dụng đen cũng bị xóa bỏ. Tuy nhiên, các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua phần mềm tiếp tục diễn biến phức tạp. Các ứng dụng đó thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Công an TPHCM cũng cho biết, từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2023, thông qua 2 trang web và chỉ với 3 công ty đã giải ngân cho hơn 2 triệu lượt vay, tổng cộng hơn 6.072 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 4.123,4 tỷ đồng; với lãi suất thấp nhất là 153,2%; cao nhất là 1.289,67%, gấp 7 đến 64 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự.

Qua dẫn chứng của một địa phương cũng đã thấy hoạt động “tín dụng đen” núp bóng các công ty tài chính khủng khiếp thế nào: chỉ bỏ ra hơn 6.000 tỷ đồng cho vay mà đã thu lãi hơn 4.000 tỷ đồng. Phía sau những con số khủng khiếp đó chính là những con người bị các băng nhóm “tín dụng đen” bóc lột tàn khốc.

Cùng với việc triệt phá những băng nhóm cho vay với lãi suất “cắt cổ”, những băng nhóm “xã hội đen” truy bức, siết nợ tàn độc thì rất quan trọng là các tổ chức tín dụng ngân hàng cần tăng cường cho vay tiêu dùng với thủ tục thông thoáng, để người dân dễ tiếp cận hơn. Từ đó sẽ hạn chế số người buộc lòng phải tìm đến “tín dụng đen”, dù họ đau lòng biết rằng hậu quả sẽ rất khủng khiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn đứng tín dụng đen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO