Mới đây, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), thuộc Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông, đã khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác, không làm theo các yêu cầu từ cuộc gọi đe dọa sẽ “khóa thuê bao điện thoại”. Trường hợp người dùng gọi lại số “tổng đài”, phía đầu dây bên kia sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, để được hỗ trợ kỹ thuật. Nhưng thực chất đó là hành vi lừa đảo.
Khi đã nắm được thông tin cá nhân của người dùng, ngay lập tức các đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn làm các bước tiếp theo để chiếm quyền nhận cuộc gọi, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tiền trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử của người dùng điện thoại.
Trước tình trạng các hình thức lừa đảo gia tăng, VNCERT kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các cuộc gọi. Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý; cung cấp bằng chứng tới cơ quan công an để đề nghị xử lý vi phạm theo pháp luật.
Việc đối tượng lừa đảo dọa khóa thuê bao điện thoại của người dùng cũng là một trong rất nhiều hình thức lừa đảo. Còn nhớ, đầu tháng 12/2021, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an đã cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội. Trong đó, có thủ đoạn giả danh người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo, nhất là giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… Chúng giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước; nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện; giả là Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn… liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân. Sau đó, chúng sử dụng các thông tin có được làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an để đe dọa nạn nhân (thường thông báo nạn nhân liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, rửa tiền); Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp “để phục vụ công tác điều tra”, sau đó chiếm đoạt hoặc yêu cầu nạn nhân tự đăng ký 1 tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản đó, sau đó cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho các đối tượng, sau đó chúng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt...
Như vậy, không chỉ tin nhắn rác, cuộc gọi tiếp thị, quảng cáo gây phiền toái cho người sử dụng điện thoại, mà những cuộc gọi kiểu này còn lừa đảo người dùng, đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản.
Cùng với những khuyến nghị, khuyến cáo, cảnh báo và các biện pháp tuyên truyền, thời gian qua cơ quan chức năng cũng đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn những hành vi lừa đảo này. Cục An toàn thông tin cũng đã phối hợp với cơ quan Công an thanh tra, kiểm tra xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác có yếu tố vi phạm pháp luật hình sự. Các nhà mạng cũng đã có những nỗ lực trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Tuy vậy, kết quả vẫn không như ý muốn.
Một trong những nỗ lực nhằm siết lại tình trạng sim rác, tin nhắn rác lộng hành, đầu tháng 4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Quyết định kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định. Đối tượng thanh tra là 7 doanh nghiệp viễn thông di động, gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gmobile, Đông Dương Telecom, Mobicast.
Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện hơn 74 triệu cuộc gọi rác, tăng 53% so với 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi các doanh nghiệp viễn thông đã chặn hơn 113 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác (tăng 53% so với cùng kỳ 2021).
Khi số người dùng điện thoại di động, dùng tài khoản trên mạng xã hội tăng lên thì nguy cơ bị lừa đảo cũng tăng theo. Thực tế cho thấy, tội phạm công nghệ cao đã không chùn bước trước các cơ quan chức năng, với những thủ đoạn ngày một tinh vi. Điều đó một lần nữa cho thấy về phía người sử dụng phải luôn luôn cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn lạ và cần phản ánh với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Về phía cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ, nhanh chóng triệt phá những nhóm tội phạm này. Chỉ có xử lý nghiêm minh thì tội phạm công nghệ cao mới chùn bước.
Đặc biệt với các nhà mạng, khi việc quản lý sim, thông tin thuê bao còn lỏng lẻo thì cũng chính là đã tạo “mảnh đất màu mỡ” cho loại tội phạm này sinh sôi nảy nở.