Chặn nạn mua bán hóa đơn khống

T.Hằng-M.Sang 13/10/2023 06:16

Tìm kiếm trên Google cụm từ “mua bán hóa đơn điện tử” ngay lập tức sẽ bắt gặp tràn lan dịch vụ mua bán hóa đơn, bán hóa đơn đỏ. Trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Telegram… cũng xuất hiện nhiều nhóm mua bán hóa đơn với số lượng thành viên không hề nhỏ. Như tại nhóm “Mua bán HĐ Điện tử” trên Facebook có tới hơn 107.000 thành viên.

Tang vật của một vụ án mua bán hóa đơn. Ảnh: Công an Hà Nội.

Lập công ty “ma” làm vỏ bọc

Thời gian gần đây, cơ quan điều tra liên tiếp khởi tố các vụ án mua bán trái phép hóa đơn với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho hay, vừa khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can để điều tra về hành vi "mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".

Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Phước phát hiện một số doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng lớn cho các DN trong và ngoài tỉnh nhằm thu lợi bất chính nên vào cuộc điều tra.

Theo kết quả điều tra ban đầu các đối tượng bao gồm: Huỳnh Nhất Giang (SN 1992, địa chỉ: khu phố 5, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), Chu Văn Kiên (SN 1991, địa chỉ: phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cùng thành lập Công ty TNHH MTV SX TM DV Phú Đạt, Công ty TNHH MTV TM DV VT Thái Xuân Hương và Công ty TNHH TM DV Quang Mạnh có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Sau khi thành lập công ty, mặc dù không hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gì, nhưng các đối tượng đã xuất khống hoặc thông qua các đối tượng làm kế toán dịch vụ cho các DN môi giới để bán 680 tờ hóa đơn giá trị gia tăng trái phép cho các DN trong và ngoài tỉnh với tổng giá trị thanh toán trên 217 tỷ đồng, nhằm thu lợi bất chính.

Còn tại Hưng Yên, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên mới khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can trong đường dây điều hành hơn 20 DN "ma" xuất hơn 5.500 hóa đơn, với tổng giá trị lên tới 2.200 tỷ đồng.

Các bị can đã mua hơn 20 DN “ma” từ các chủ DN đang muốn giải thể để đăng ký hồ sơ khống nhằm phát hành hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống. Từ cuối năm 2020 đến nay, nhóm DN này đã xuất hơn 5.500 hóa đơn với tổng số tiền bao gồm thuế GTGT khoảng 2.200 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các DN khác mua, sử dụng hóa đơn trái phép, gây thất thu thuế cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Hóa đơn là chứng từ ghi nhận thu chi trong DN và cũng là một trong những tài liệu căn cứ để khấu trừ thuế của DN. Do vậy, nhiều DN mua hóa đơn khống để kê khai tăng chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN cũng như tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ để làm giảm số thuế phải nộp.

Thủ đoạn thường thấy là DN thành lập một hoặc nhiều DN mới, nhưng thực tế chỉ là vỏ bọc cho một "ngành nghề" duy nhất - mua bán hóa đơn. Công ty "ma" hay công ty "bình phong" được hiểu là các DN chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có hoạt động kinh doanh và loại hình thường thấy là công ty TNHH. Việc thành lập các pháp nhân trên nhằm xuất hóa đơn đầu vào cho các công ty mà đối tượng đứng tên giám đốc, hoặc bán trái phép hóa đơn cho các đối tượng có nhu cầu.

Người dân, doanh nghiệpnâng cao cảnh giác

Việc mua bán hóa đơn trước hết gây hại cho nguồn thu của ngân sách nhà nước, theo đó nó khiến cho nhiều khoản thuế không được thực hiện đúng như quy định. Có nhiều khoản lẽ ra có thể thu về cho ngân sách nhưng vì có những hóa đơn bất hợp pháp đã khiến cho cơ quan thuế không thể hành thu. Hành động này cũng tạo ra sự không công khai, minh bạch trong môi trường kinh doanh, gây bất lợi cho những DN làm ăn chân chính.

Như vậy các hành vi gian lận về hóa đơn có thể gây tâm lý hoang mang cho những người kinh doanh chân chính, lo lắng không biết hóa đơn nhận được khi mua hàng hóa, dịch vụ có phải là hóa đơn hợp pháp không.

Phân tích về tình trạng mua bán hóa đơn, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có cầu thì mới có cung. Chính vì vậy, để “cắt cầu” những đối tượng bán hóa đơn bất hợp pháp, chính DN và người dân đóng vai trò then chốt, bởi hành vi mua bán hóa đơn là xuất phát từ hai phía. DN và người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm soát quá trình mua hàng. Theo đó, mua hàng là phải lấy hóa đơn và chỉ nhận hóa đơn của đúng đơn vị đã bán hàng. DN cũng cần đề cao cảnh giác, cẩn thận trong việc giao dịch, phải thường xuyên cập nhật danh sách, những DN bị cảnh báo rủi ro về hóa đơn. Bởi lẽ khi bị dính dáng đến những DN này thì cơ quan Thuế sẽ thực hiện rà soát, thanh kiểm tra toàn bộ những DN có liên quan. Như thế sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng hóa đơn điện tử trái pháp luật, đại diện ngành Thuế cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Cơ quan điều tra, Bộ Công an để xử lý theo quy định đối với DN bán hóa đơn; truy vết xử lý DN mua hóa đơn và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hóa đơn.

Đồng thời tuyên truyền, phổ biến đến người dân, DN trong việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hợp thức kê khai thuế sẽ bị phạt về hành vi trốn thuế và truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hành vi bán hóa đơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế kiến nghị, sửa đổi Nghị định về đăng ký kinh doanh, Luật DN phải có quy định theo hướng người đại diện pháp luật phải được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Người đại diện pháp luật mà có vi phạm pháp luật thuế, là đại diện pháp luật của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, trường hợp muốn thành lập DN mới thì cần có chế tài xử lý cụ thể, tạm thời chưa cấp phép giấy chứng nhận thành lập DN mới và đưa ra các thông tin cảnh báo rủi ro, có biện pháp ngăn chặn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có cầu thì mới có cung. Chính vì vậy, để “cắt cầu” những đối tượng bán hóa đơn bất hợp pháp, chính DN và người dân đóng vai trò then chốt, bởi hành vi mua bán hóa đơn là xuất phát từ hai phía. DN và người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm soát quá trình mua hàng. Theo đó, mua hàng là phải lấy hóa đơn và chỉ nhận hóa đơn của đúng đơn vị đã bán hàng. DN cũng cần đề cao cảnh giác, cẩn thận trong việc giao dịch, phải thường xuyên cập nhật danh sách những DN bị cảnh báo rủi ro về hóa đơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn nạn mua bán hóa đơn khống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO