Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định, ngành xây dựng vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp “sân sau”, đồng thời doanh nghiệp ngành này cũng đang phải trả chi phí “không chính thức” cao hơn nhiều so với các lĩnh vực khác như: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ...
Ý kiến của ông Lộc được đưa ra sau quá trình khảo sát, lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, để tìm giải pháp tháo gỡ.
Tại Hội nghị “Lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản” diễn ra ngày 29/3, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh rằng, trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn nhiều quy định, nhiều chính sách và cả việc thực thi của các cán bộ nhà nước chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết như: Chưa có hành lang pháp lý cho căn hộ khách sạn (condotel), tình trạng quy hoạch treo, điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện, nội dung giấy phép xây dựng và thủ tục cấp còn phức tạp...
Ông Lộc cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, từ kết quả điều tra năng lực cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố cho thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được tập trung tháo gỡ, như thủ tục cấp phép xây dựng có mức độ chuyển biến chậm (xếp thứ 7/11 lĩnh vực được khảo sát). Hiện tượng doanh nghiệp “sân sau” là khá phổ biến dẫn đến việc bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nếu không phải doanh nghiệp “sân sau” của ai đó, đơn vị, tổ chức nào đó thì doanh nghiệp xây dựng buộc phải có “mối quan hệ” với chính quyền để thuận tiện trong kinh doanh.
Con số thống kê của VCCI cho thấy, có đến 74% doanh nghiệp xây dựng phải “quan hệ” với cán bộ để tiếp cận thông tin để thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, kể cả hành lang pháp lý, cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhất là ý tưởng xây dựng một Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là luôn đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, doanh nghiệp có quyền tiếp cận mọi thông tin, các cơ quan quản lý nhà nước buộc phải công khai hoặc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp khi có yêu cầu.
Song, đáng buồn là trên thực tế lại không phải như vậy. Doanh nghiệp muốn có được thông tin về quy hoạch (vùng, địa phương, khu vực), được tạo điều kiện nhanh chóng trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục có liên quan không hề đơn giản. Đơn cử, pháp luật đã quy định rõ các cơ quan quản lý nhà nước buộc phải công bố công khai quy hoạch, song không ít doanh nghiệp không thể tiếp cận, còn nếu muốn có thông tin buộc phải “lót tay” cho những người thực thi công vụ. Hay như việc cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục hành chính có liên quan cũng vậy, nếu muốn công việc suôn sẻ, nhanh chóng thì các doanh nghiệp không có cách nào khác hơn là dùng phí bôi trơn, nếu không thì hãy... chờ dài cổ.
Thực tế đó đã được chứng minh bằng khảo sát của VCCI. Kết quả mà cơ quan này công bố cho thấy, các doanh nghiệp xây dựng đang là những đơn vị phải trả chi phí “không chính thức” cao nhất so với các lĩnh vực khác như: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thậm chí, một lãnh đạo của Tổng hội Xây dựng Việt nam còn nói rằng, khá nhiều doanh nghiệp xây dựng “run sợ” mỗi khi xuất hiện một loại giấy phép mới, bởi điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải tăng thêm phí “bôi trơn” cho đội ngũ cán bộ, công chức nếu không muốn bị... hành. Nếu thiếu “lót tay” thì các doanh nghiệp sẽ bị “om” các thủ tục chưa biết đến bao giờ.
Chỉ cần có chút kiến thức về kinh doanh thì ai cũng hiểu điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ bị lỡ mất cơ hội sản xuất kinh doanh, để lọt những dự án béo bở vào tay đối thủ. Vậy là đa số các doanh nghiệp đều có tư tưởng, thà bỏ ra 3 đồng mà kiếm được 10 đồng, còn hơn không mất gì nhưng cũng chẳng kiếm được đồng nào cả. Và nguyên nhân dẫn đến tệ nạn đó theo các chuyên gia chính là sự rối rắm của các thủ tục hành chính. Chẳng thế mà có nhiều người trong ngành xây dựng, kể cả không ít chủ đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam cho rằng, hiện các thủ tục hành chính liên quan tới ngành xây dựng như “mê hồn trận”, dễ khiến người ta “lạc lối”.
Nói thế không hề ngoa bởi để thẩm định một dự án đầu tư xây dựng thì đương nhiên phải làm việc với ngành xây dựng, nhưng vì liên quan đến đất đai nên lại phải làm việc với cả ngành TN-MT, và dĩ nhiên không thể tránh khỏi việc “gõ cửa” ngành công an khi muốn công trình được nghiệm thu PCCC để đưa vào khai thác sử dụng... Tính sơ sơ thôi thì chủ đầu tư cũng phải làm việc với ít nhất 3 ngành độc lập mà không có cửa thống nhất để làm đầu mối giải quyết. Mà lẽ đương nhiên càng phải qua nhiều cửa thì thời gian chờ đợi của các thủ tục hành chính sẽ càng kéo dài, nếu muốn nhanh thì chẳng có cách nào tốt hơn là “lót tay” các cán bộ giải quyết.
Xem ra thì nỗi khổ của các doanh nghiệp xây dựng cuối cùng cũng “thấu” tới Tư lệnh ngành. Bởi thế, tại Hội nghị “Lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tỏ ra cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp xây dựng, đồng thời cho biết cơ quan này đang soạn thảo dự án luật “4 trong 1”, nghĩa là 1 luật có thể bao quát được 4 luật có liên quan đến xây dựng là: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng hy vọng việc sửa luật có thể cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng giảm bớt điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản... Lẽ tất nhiên là các doanh nghiệp xây dựng còn hy vọng và mong đợi nhiều hơn thế, họ mong chờ tới một lúc nào đó khi đầu tư kinh doanh không còn cảnh cạnh tranh bất bình đẳng với các doanh nghiệp “sân sau”, không phải dùng phí “lót tay” để giải quyết các thủ tục hành chính. Bởi triệt tiêu được phí “bôi trơn” thì không chỉ doanh nghiệp được lợi, mà cả Nhà nước, cộng đồng xã hội cũng sẽ được hưởng lợi, nhất là người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với các sản phẩm đúng giá trị đích thực của nó.