Việc Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Công ty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát và một số cá nhân khiến dư luận quan tâm.
Lùm xùm liên quan tới ông Trần Quí Thanh và bà Trần Uyên Phương đã được cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vào cuộc điều tra, xác minh, giải quyết xuất phát từ đơn thư tố cáo của một số công dân trên địa bàn TPHCM và tỉnh Đồng Nai.
Tháng 12/2020, Bộ Công an đã đề nghị UBND TPHCM phối hợp về việc ngăn chặn mọi biến động giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp... liên quan đến 33 bất động sản do các thành viên gia đình Tập đoàn Tân Hiệp Phát đứng tên. Quá trình điều tra, C01 xác định một số cá nhân tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự nên đã khởi tố các bị can để điều tra.
Trước đó, sự việc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai khi đề nghị xin nhận chuyển nhượng 100% dự án tại dự án khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) do Công ty Tân Thuận (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc sở hữu của Văn phòng Thành ủy TPHCM) quản lý cũng đã xảy ra những vi phạm về đất đai, gây bức xúc dư luận. Khi được đưa ra xét xử, Tòa án nhân dân TPHCM đã xác định nhiều cá nhân có liên quan đến quá trình chuyển nhượng bán rẻ 32ha đất công tại dự án kể trên, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.
Cũng bằng cách thức tương tự, vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần tại các Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim khiến nhiều cựu lãnh đạo doanh nghiệp và cựu quan chức của TPHCM dính vào vòng lao lý với hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí”.
Không chỉ tại TPHCM, Kiểm toán Nhà nước mới đây đã xác định một thực trạng đáng báo động khi các vi phạm trong lĩnh vực đất đai tại nhiều địa phương còn tồn tại sai sót, hạn chế gây thất thoát. Nổi cộm là qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất dự án khu đô thị giai đoạn 2013 - 2016 tại một số địa phương, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính số tiền lên đến gần 8.325 tỷ đồng, trong đó tăng thu về ngân sách nhà nước từ các dự án được kiểm toán lên đến gần 4.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, đây cũng chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” khi cơ quan Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tình trạng phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại không ít địa phương chưa sát với nhu cầu và tình hình sử dụng đất thực tế. Hơn nữa, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết cũng yếu kém, phải điều chỉnh nhiều lần dẫn đến “phá vỡ” quy hoạch chung.
Để ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đất đai, từng địa phương với đặc điểm đặc thù của mình, cũng cần mạnh dạn có các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn căn cứ trên quy định pháp luật hiện hành về đất đai. Đơn cử, trường hợp UBND TPHCM ngay đầu năm 2023 đã ban hành Kế hoạch về tăng cường xử lý và phòng, chống vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn. Bằng giải pháp này, Chủ tịch UBND TPHCM sẽ xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp quận, huyện và TP Thủ Đức nếu phát hiện để xảy ra vi phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai tại địa phương.
TP Hà Nội cũng đã thông qua Đề án về quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030. Bằng đề án này, công tác quản lý tài sản công, trong đó có đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước trên địa bàn thành phố sẽ được giám sát chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm và khai thác có hiệu quả, phòng, chống thất thoát, lãng phí.
Có thể nói, việc bắt đầu từ “gốc rễ” vấn đề thông qua sửa đổi Luật Đất đai (đang quá trình dự thảo) là hướng đi lâu dài và bền vững để ngăn chặn các tiêu cực, sai phạm.