Mới đây, trong báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp, nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, cũng như siết chặt kê khai tài sản, thu nhập.
Thời gian qua, mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có vẫn thấp, đặc biệt việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán vẫn bất cập.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, so với trước đây, cơ chế và biện pháp quản lý hiện nay đã được bổ sung, tăng cường nhằm nâng cao hiệu quả trong xác minh và quản lý kê khai tài sản, thu nhập. Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản và hiện Thanh tra Chính phủ đang tổ chức thực hiện. Ông Phong cũng cho biết, về việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp báo cáo và xem xét kiến nghị của bộ, ngành, địa phương. Khi đủ điều kiện sẽ ban hành thông tư quy định chi tiết.
Cuộc chiến chống tham nhũng cũng chính là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Đã có nhiều cán bộ cao cấp vi phạm phải kỷ luật; trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao trong lực lượng vũ trang… Nhiều vụ đại án được khởi tố, đưa ra xét xử cho thấy kỷ luật nghiêm minh của Đảng, của pháp luật, đồng thời cũng cho thấy tài sản của dân, của nước bị xâm phạm là rất lớn.
Trở lại với đề xuất cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, cũng như siết chặt kê khai tài sản, thu nhập để chống tham nhũng, ngày 5/11/2022, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã thực hiện trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XV.
Về việc ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, ông Phong cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022, thanh tra tiến hành đôn đốc, thanh tra 5.586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.
Tuy nhiên, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản tham nhũng. Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm sẽ chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý.
Đáng chú ý, cũng tại phiên chất vấn kể trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu vấn đề: Việc thực hiện kết luận sau thanh tra bao gồm các nội dung thu hồi tiền, xử lý về tài sản và xử lý cán bộ. Tuy nhiên, việc xử lý về tài sản chưa thực sự được chú trọng. Còn đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) cho rằng tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên chiếm hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn.
Có thể nói, mục đích của tham nhũng chính là tiền bạc, của cải vật chất. Các đối tượng suy thoái, tha hóa đã cấu kết tạo thành nhóm lợi ích để đục khoét, chiếm đoạt tài sản của nhà nước. Khi đã tham nhũng được, chúng dùng tiền để che thân, những mong thoát tội, trong khi tài sản chiếm đoạt bất hợp pháp đã bị tẩu tán, giấu kín. Việc thu hồi tối đa tài sản tham nhũng chính là chặt đứt mục đích tham nhũng. Không chỉ tịch thu “của nổi” mà còn phải ngăn chặn, tìm cho ra và tịch thu triệt để số “của chìm” mà đối tượng tham nhũng đã giấu, đã tẩu tán. Có như vậy cuộc chiến chống “giặc nội xâm” mới trọn vẹn, mới khiến những kẻ rắp tâm tham nhũng khiếp sợ mà chùn bước.