Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Chặn “thổi giá”, “đẩy giá”

Ngọc Quang 14/03/2024 08:27

Mới đây, phát biểu tại cuộc họp nghe Tổ công tác báo cáo vấn đề rà soát, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản sau khi các luật mới liên quan được ban hành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu khắc phục nghịch lý thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp; giải quyết tình trạng “thổi giá”, “đẩy giá” bất động sản.

Nội dung cuộc họp tập trung vào kiến nghị của các doanh nghiệp, ngân hàng, các địa phương... để Chính phủ cùng các bộ, ngành tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) sau khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Nhà nước sẽ làm hết sức để thực hiện những gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc khắc phục nghịch lý thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng “thổi giá”, “đẩy giá”.

Thực tế cho thấy, thị trường BĐS đã từng có hiện tượng “thổi giá”, “đẩy giá” gây xáo trộn, dẫn đến tình trạng “bong bóng” BĐS. Việc “thổi giá” diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là ở những nơi chuẩn bị có dự án, kể cả dự án “ma”. Khi đó, xuất hiện đội ngũ “cò” môi giới nhà đất ra sức “tạo sóng, đánh sóng” làm thị trường nóng bỏng. Kể cả có nơi vốn là vùng quê thuần nông nghèo, người dân quen với công việc đồng áng một nắng hai sương nhưng bỗng nhiên giá đất tăng vù vù.

Từ đó, nhiều người dân trong vùng đã vội vã bán đất vì thấy giá quá hời. Lập tức, có những người mua gom đất, rồi “thổi giá” lên cao chót vót. Khi ước lượng đã kiếm được món lời lớn thì họ lập tức bán tháo. Từ đó khiến nông dân mất đất, người mua “ôm đất” phải chịu thua thiệt lớn.

Kể từ giữa tháng 9/2023 trở về 3 năm trước, thị trường BĐS yên ắng. Nhiều người gọi đó là thời gian thị trường ngủ “đông”, dò đáy khi mà giao dịch rất ít. Nhưng khoảng 6 tháng trở lại đây, thị trường BĐS nhộn nhịp trở lại. Giá đất, giá nhà, nhất là giá căn hộ chung cư ở các đô thị lớn tăng nhanh. “Té nước theo mưa”, lập tức giá cả bị tâng lên mà chưa thấy điểm dừng. Người có nhu cầu nhà ở như bị lạc vào “ma trận” giá, không dám xuống tiền. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi căn nhà đối với người lao động lại càng trở nên xa xỉ.

Để giải quyết, cần có giải pháp tổng thể. Tuy nhiên, trong đó có vai trò quan trọng của chính quyền địa phương ở những nơi giá đất, giá nhà đang bị “thổi” lên. Không thể nói chính quyền không biết, cán bộ địa chính xã/huyện không biết, nhưng trong nhiều trường hợp họ đã không làm hết trách nhiệm, nếu không muốn nói còn có thể bắt tay với “cò” môi giới BĐS. Điều đó khiến tình hình càng trở nên phức tạp, dẫn tới những hệ lụy khó lường.

Những kẽ hở, yếu kém trong quản lý thị trường BĐS đã được nói đến nhiều lần, kể cả tại Nghị trường Quốc hội. Tình hình tạm lắng, nhưng rồi lại ồn ào trở lại, cho thấy lỗ hổng vẫn không được trám kín. Thị trường nhà đất cần bảo đảm quản lý lành mạnh từ cơ sở để tránh tình trạng “bong bóng” BĐS.

Về mặt phát triển nhà ở, cũng cần được đẩy nhanh. Đáng chú ý, Hà Nội hiện có 404 dự án, trong đó đã đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai 81 dự án; đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động 10 dự án; tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện 67 dự án. Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án. TPHCM đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án.

2 đô thị đông dân nhất nước, nhu cầu nhà ở cao nhất nước có những chuyển động tích cực như vậy, đem tới hy vọng giá nhà đất sẽ hạ nhiệt, làm gần lại giấc mơ an cư của người dân.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các dự án nhà ở vừa túi tiền hoàn thành, thì cùng với việc tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, chính quyền địa phương cũng cần phải chủ động vào cuộc chặn việc “thổi giá”, “đẩy giá”, không để thị trường BĐS trở nên rối ren.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn “thổi giá”, “đẩy giá”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO